Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu. Giá khí đốt - cả ở châu Âu và toàn cầu - đã tăng lên mức kỷ lục kể từ tháng 9 năm ngoái, đẩy giá điện của châu lục này lên mức cao nhất mọi thời đại.
Sự phục hồi kinh tế sau thời kỳ phong toả COVID-19, kết hợp với những gián đoạn liên quan đến thời tiết và kỹ thuật, đã khiến thị trường bị thắt chặt. Nga lại làm trầm trọng thêm tình hình khi giảm doanh số bán khí đốt và không lấp đầy các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất mà nước này sở hữu ở châu Âu. Một cuộc xung đột mới nếu xảy ra giữa Nga và Ukraine sẽ còn đẩy giá lên cao hơn.
3 kịch bản gián đoạn nguồn cung năng lượng châu Âu
Có ba cách mà xung đột Nga-Ukraine mới có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu.
Rõ ràng nhất là một trong hai bên có thể phá hỏng cơ sở hạ tầng, bao gồm cả tấn công mạng hoặc phá hoại. Các hạ tầng bao gồm đường ống dẫn khí chính chạy qua Ukraine, hiện đang vận chuyển khoảng 13% tổng lượng nhập khẩu của châu Âu, cũng như nhánh phía nam của đường ống dẫn dầu Druzhba, chạy qua Belarus đến miền tây Ukraine và tới Slovakia, Cộng hòa Séc và Hungary.
Thứ hai là Nga có thể cố ý cắt giảm nguồn cung như một phần của hoạt động quân sự-chính trị. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến khí đốt đi qua Belarus đến Ba Lan, và đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) dưới Biển Baltic trực tiếp đến Đức. Đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) mới, không vướng các yêu cầu quá cảnh Ukraine, đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật nhưng chưa được Đức chấp thuận về mặt pháp lý để bắt đầu hoạt động.
Cách thứ ba là thông qua các biện pháp trừng phạt. Để đối phó với hành động quân sự của Nga, châu Âu và Mỹ có thể sẽ chặn đầu tư và chuyển giao công nghệ, cấm giao dịch với các tổ chức tài chính lớn và cũng như các cá nhân cụ thể có liên hệ với Điện Kremlin.
Phó Chủ tịch Thượng viện Nga, Nikolay Zhuravlev đã nói rằng nếu đất nước của ông bị ngắt kết nối với hệ thống nhắn tin ngân hàng SWIFT, người mua "sẽ không nhận được hàng hóa của chúng tôi - dầu, khí đốt, kim loại”. Nhưng châu Âu, và đặc biệt là Đức, sẽ cảnh giác với việc chặn nhập khẩu nguồn khí đốt mà họ cần, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden không muốn chứng kiến giá dầu tăng cao hơn nữa.
Do đó, Mỹ và các đồng minh có khả năng sẽ đưa ra quyền miễn trừ cho các giao dịch liên quan đến năng lượng khỏi bất kỳ hạn chế nào đối với giao dịch với các ngân hàng Nga.
Trong một tình huống xung đột, sẽ có vấn đề nếu Đức cắt giảm khí đốt qua Ukraine bằng cách bật đèn xanh cho Dòng chảy phương Bắc 2. Tuy nhiên, các sản phẩm năng lượng chiếm 60% xuất khẩu của Nga và các mặt hàng khác đã bị áp dụng nhiều biện pháp hạn chế khác nhau. Các biện pháp trừng phạt loại trừ việc bán năng lượng sẽ không hiệu quả trong gây sức ép với Điện Kremlin, nhưng lại gây ra "nỗi đau" ở châu Âu.
Tác động của các kịch bản nói trên phụ thuộc vào lượng khí đốt bị cắt, lượng khí đốt mà Nga có thể bù đắp bằng dòng chảy trên các tuyến đường ống khác, mức độ chấp nhận của người châu Âu, và liệu sự gián đoạn có xảy ra sau mùa đông hay không.
Những nỗ lực giảm tác động
Kể từ khi khí đốt của Nga qua Ukraine bị gián đoạn vào năm 2009 và sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, EU đã sắp đặt lại thành công mạng lưới khí đốt của mình để Moskva không thể cắt đứt nguồn cung đến các quốc gia cụ thể và Ukraine có thể được cung cấp bằng dòng chảy ngược từ phía Tây.
Các thị trường tương đối biệt lập, chẳng hạn như Lithuania (Litva) và Croatia, đã xây dựng các bến nhập khẩu LNG (khí đốt tự nhiên hóa lỏng), để đưa nhiên liệu bằng tàu chở dầu từ các nhà xuất khẩu lớn như Mỹ, Qatar, Algeria và Nigeria.
Nhưng những điểm yếu trong hệ thống vẫn còn. Tây Ban Nha, quốc gia có khả năng nhập khẩu LNG dự phòng lớn và nhận khí đốt bằng đường ống từ Algeria, chỉ có các kết nối hạn chế đến Pháp và phần còn lại của lục địa.
Phản ứng tức thì của Mỹ là tìm kiếm nguồn cung cấp LNG dự phòng. Qatar, cho đến gần đây là nhà xuất khẩu nhiên liệu lớn nhất thế giới, đã từng tăng cường sản lượng để giúp đỡ Nhật Bản sau sự cố Fukushima năm 2011.
Giả sử rằng các nhà cung cấp sẵn sàng phá bỏ hoặc đàm phán lại các nghĩa vụ hợp đồng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và những nước khác, thì châu Âu có thể nhập hàng từ Đông Á, nhưng chỉ bằng cách trả giá cao hơn nhiều.
Ngoài ra, một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường khí đốt nhưng sẽ giải phóng khoảng 1,3 triệu đến 1,5 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày, giúp bù đắp bất kỳ sự gián đoạn nào từ Nga. Nó cũng sẽ tránh nguy cơ xảy ra hai cuộc khủng hoảng đồng thời, taij Ukraine và Vịnh Ba Tư.
Giá dầu giảm sẽ làm giảm áp lực chính trị đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden và khiến các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga trở nên "dễ chịu" hơn. Nếu xuất khẩu dầu của Nga bị gián đoạn, các thành viên của OPEC +, đặc biệt là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Iraq - sẽ phải quyết định có tăng sản lượng để bù đắp hay không.
Trong vòng 1 hoặc 2 năm, nguồn cung cấp LNG bổ sung sẽ đến từ Mỹ. Qatar và có thể là UAE cũng đang mở rộng năng lực của mình, nhưng sẽ chỉ sẵn sàng vào khoảng năm 2026.
Nếu cuộc đối đầu Nga-Ukraine tiếp diễn hoặc đi vào chiều sâu, vị thế của châu Âu sẽ được củng cố theo thời gian khi họ cải thiện khả năng cách nhiệt trong nhà, đẩy mạnh triển khai năng lượng tái tạo, có thể là hồi sinh điện hạt nhân, và bắt đầu sử dụng hydro làm nhiên liệu công nghiệp.
Trung Đông và Bắc Phi - đặc biệt là UAE, Saudi Arabia, Oman, Ai Cập, Maroc và có lẽ cả Qatar - đều có thể trở thành những nhà cung cấp năng lượng sạch mới.
Về dài hạn, Nga có nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế và tương lai năng lượng của chính nước này. Nhưng trong vài tháng tới, bối cảnh năng lượng của châu Âu có thể trở nên rất khó chịu, vì biên giới Ukraine một lần nữa là giao điểm của những tham vọng địa chính trị.