Châu Á đón Tết Nguyên đán trầm lắng hơn do dịch COVID-19
Tuần qua, các nước châu Á đã chào đón Năm mới Nhâm Dần 2022 trong không khí trầm lắng hơn vì dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, đặc biệt biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn đã xuất hiện ở nhiều quốc gia.
Nhiều nước đã phải hủy bắn pháo hoa, các hoạt động đón chào Năm mới và kêu gọi người dân hạn chế đi lại. Giới chuyên gia lo ngại số ca nhiễm ở một số nước châu Á có thể tăng vọt sau dịp Tết Nguyên đán do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron và người dân đổ về quê, đi du lịch hoặc tụ tập đông người.
Tại Trung Quốc, chính quyền nước này đã mạnh tay ngăn chặn đà lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 trước thềm Năm mới và Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh khai mạc vào ngày 4/2. Để khuyến khích người dân hạn chế đi lại, giới chức nhiều nơi đã áp dụng từ các biện pháp khen thưởng như tặng phiếu mua hàng hay thậm chí tiền mặt, cho đến cảnh báo rằng họ sẽ bị cách ly 14 ngày khi trở về. Một số nơi như thành phố Tây An đã siết chặt các biện pháp phòng dịch bằng xét nghiệm đại trà, phong tỏa và cách ly.
Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc cũng đã hủy các lễ hội đón Tết Nguyên đán, đóng cửa trường học, phong tỏa nhiều nơi để xét nghiệm. Dù trong dịp nghỉ lễ nhưng giới chức vẫn duy trì các chính sách nghiêm ngặt như cấm phục vụ ăn uống tại chỗ từ 18h và đóng cửa các cơ sở giải trí như bar, rạp chiếu phim.
Tại Hàn Quốc, chính quyền cấm tụ tập trên 6 người và áp đặt lệnh giới nghiêm đóng cửa các nhà hàng, quán cà phê từ 21h. Chính phủ kêu gọi người dân nên cân nhắc và hạn chế về quê, đi du lịch trong dịp Tết. Giới chức y tế nước này cho rằng dòng người di chuyển giữa các địa phương trong kỳ nghỉ kéo dài từ ngày 31/1 đến 2/2 sẽ khiến số ca nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc tăng cao kỷ lục.
Tại Singapore, các con phố, trung tâm cộng đồng tại các khu dân cư đã được trang hoàng rực rỡ, nhiều hoạt động văn hóa vẫn được tổ chức để đón mừng năm mới. Tuy nhiên, nhà chức trách khuyến cáo người dân tránh ra ngoài nếu họ cảm thấy không khỏe, ngay cả khi xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, chính quyền thủ đô Manila của Philippines đã cấm múa lân, bắn pháo hoa và tụ tập ở khu vực Binondo, nơi có hơn 1,3 triệu người gốc Hoa sinh sống. Tại Malaysia, một số ngôi đền cũng hạn chế số người ra vào trong dịp lễ.
Đây là năm thứ ba liên tiếp hoạt động chào đón năm mới của các nước châu Á bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Dù vậy, vẫn có nhiều lý do để chúng ta kỳ vọng về năm Nhâm Dần sẽ mở ra một giai đoạn mới, với nhiều diễn biến tích cực hơn. Trong văn hóa châu Á, loài hổ tượng trưng cho sự mạnh mẽ và lòng dũng cảm có thể giúp con người vượt lên nghịch cảnh. Nhiều người tin rằng năm Nhâm Dần sẽ mang lại sự thay đổi tích cực cho khu vực và toàn cầu sau nhiều năm lao đao vì dịch bệnh khi chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 có bước tiến lớn.
OPEC+ thống nhất tăng sản lượng dầu mỏ
Ngày 2/2, sau một tháng giá dầu tăng 15% và giữa căng thẳng địa chính trị sôi sục trên khắp thế giới, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đã mất 16 phút nhanh chóng để quyết định rằng họ sẽ tiếp tục tăng sản lượng theo kế hoạch trước đó.
Theo hãng tin CNBC, OPEC+ cho biết họ sẽ đặt mục tiêu tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày vào tháng 3 tới, tiếp nối kế hoạch hàng tháng đã đề ra hồi tháng 7/2021 nhằm thay thế dần việc cắt giảm sản lượng khi đại dịch bùng phát. OPEC+ nêu rõ quyết định này nhằm đạt được các mục tiêu hiện có và đáp ứng yêu cầu của các nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu về tăng nguồn cung để kiểm soát giá cả leo thang.
Theo các nhà phân tích, động thái này đã được dự đoán từ trước, trong bối cảnh các nước tiêu thụ dầu lớn trên thế giới kêu gọi tăng sản lượng với tốc độ nhanh hơn do lo ngại tình trạng giá năng lượng cao có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế. Trước đó, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã hối thúc OPEC+ tăng lượng dầu khai thác để phù hợp với nhu cầu gia tăng khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Reuters nhận định việc tăng sản lượng dầu của OPEC+ rất phức tạp khi một số thành viên vẫn đang phải vật lộn để đạt được các mục tiêu hàng tháng và thiếu công suất dự phòng để thúc đẩy sản xuất. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng việc bắt đầu tăng sản lượng vẫn có thể khiến giá dầu tăng cao hơn, vì nó sẽ loại bỏ một lớp đệm an toàn trong trường hợp có bất kỳ cú sốc toàn cầu nào.
Một số nhà phân tích, bao gồm cả Goldman Sachs, cho rằng khả năng dự phòng quá mỏng có thể đẩy giá dầu vượt mốc 100 USD vào cuối năm nay. Bà Victoria Scholar, chuyên gia tại công ty cung cấp dịch vụ đầu tư trực tuyến Interactive Investor (Anh), nhận định giá dầu sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu ổn định và sự gia tăng sản lượng “một cách nhỏ giọt” của OPEC+.
Giá dầu thế giới đã liên tục leo thang, đánh dấu mức lên cao nhất trong vòng 7 năm qua vào tháng 1/2022 và hiện đang dao động dưới 90 USD/thùng. Các nhà phân tích cho rằng giá dầu tăng có thể sẽ “cản bước” đà phục hồi của các nền kinh tế, đồng thời đẩy lạm phát tăng cao. Bởi vậy, hợp tác để kéo giá dầu thấp xuống đang là vấn đề cấp bách của các cường quốc, các nước xuất khẩu dầu mỏ cũng như cộng đồng quốc tế.
OPEC+ bao gồm 13 thành viên OPEC do Saudi Arabia đứng đầu và 10 quốc gia sản xuất dầu liên minh, trong đó có Nga. Trong thời gian qua, tổ chức này đã tăng sản lượng dầu để góp phần giảm giá “vàng đen”. OPEC+ đã bắt đầu thực hiện chính sách điều chỉnh sản lượng dầu một cách thận trọng từ đầu năm 2021 khi nhu cầu dầu mỏ phục hồi sau những đợt cắt giảm mạnh mẽ vào năm 2020, khi đại dịch COVID-19 lan rộng trên thế giới. Hiện OPEC+ chiếm tới hơn 40% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.
Thị trường dầu mỏ thế giới được dự báo vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi xu hướng địa chính trị vào năm 2022, trong bối cảnh tình hình căng thẳng dai dẳng giữa Nga - Ukraine hay các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran đang được OPEC+ theo dõi chặt chẽ.