COVID-19 tại ASEAN hết 4/5: Trên 69.000 ca tử vong; Campuchia kỷ lục lây nhiễm

Trong ngày 4/5, toàn khối có trên 16.000 ca nhiễm mới, tổng ca tử vong lên tới trên 69.000 người. Campuchia ghi nhận kỷ lục ca lây nhiễm mới, với gần 1.000 ca, trong khi Philippines có tín hiệu khả quan với ca lây nhiễm thấp nhất gần 1 tháng qua.

Chú thích ảnh
Chuẩn bị giường cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện dã chiến ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 11/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 4/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 16.094 ca mắc COVID-19 và 336 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 3.474.980 trường hợp và 69.025 ca tử vong. Toàn khối có 3.158.033 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 188 ca. Philippines ghi nhận 97 ca tử vong, Malaysia thêm 23 ca, Thái Lan thêm 27 ca và Campuchia ghi nhận 1 ca tử vong mới.

Với 4.369 ca nhiễm mới, Indonesia ghi nhận tổng cộng 1.686.373 ca bệnh và 4.512 ca tử vong, tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN.

Trong khi đó, Philippines ghi nhận ca nhiễm mới ở mức cao nhất khu vực, với 5.683 ca nhiễm trong ngày 4/5. Nước này đã ghi nhận tổng cộng 1.067.892 ca bệnh, trong đó có 17.622 ca tử vong và 984.210 ca bình phục.

Dịch bệnh tiếp tục diễn biến rất "nóng" tại Thái Lan khi số ca nhiễm mới ở mức 1.763 người trong ngày 4/5. Campuchia cũng ghi nhận 938 ca nhiễm mới trong cùng ngày và tổng ca bệnh đã vượt qua 16.000 người, đứng thứ 6 trong khu vực.

Chú thích ảnh
Cảnh sát phong tỏa một tuyến phố để phòng dịch COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 15/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Campuchia ghi nhận gần 1.000 ca nhiễm mới

Bộ Y tế Campuchia ngày 4/5 thông báo nước này ghi nhận thêm 938 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là mức tăng ca nhiễm cao nhất từ trước tới nay tại nước này.

Thông cáo báo chí của Bộ Y tế Campuchia cho biết toàn bộ 938 bệnh nhân này đều liên quan đến “sự kiện lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”. Như vậy, tính đến ngày 4/5, Campuchia có tổng cộng 16.299 ca mắc COVID-19, trong đó 5.791 bệnh nhân đã bình phục và 107 ca tử vong.

Trước đó, tối 3/5, Chính phủ Campuchia đã công bố quyết định dỡ bỏ lệnh phong tỏa phòng chống dịch COVID-19 đối với Phnom Penh và thành phố tiếp giáp thủ đô là Ta Khmao (thuộc tỉnh Kandal), có hiệu lực kể từ ngày 6/5 tới. Tuy nhiên, chính quyền thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal khẳng định sẽ vẫn áp dụng các biện pháp phong tỏa đối với một số khu vực thuộc hai địa bàn trên, cũng như những biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân chờ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 3/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Hôm 2/5, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đăng tải thông tin trên trang Facebook cá nhân cho biết sau ngày 5/5 Chính phủ Campuchia sẽ dỡ bỏ tình trạng phong tỏa tại thủ đô Phnom Penh và một số tỉnh khác, ngoại trừ những khu vực còn tình trạng lây nhiễm cao. Thủ tướng Hun Sen cũng kêu gọi người dân Campuchia thông cảm trong thời điểm khó khăn này. Ông cho rằng chiến dịch tiêm chủng tại Phnom Penh và tỉnh Kandal sẽ được hoàn tất trong tháng 6 tới.

Philippines: Ca nhiễm mới thấp nhất trong gần 1 tháng

Bộ Y tế Philippines ngày 4/5 thông báo nước này ghi nhận thêm 5.683 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là ngày có số ca mắc mới mức thấp nhất kể từ ngày 19/3, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 1.067.892 ca.

Trong 24 giờ qua, Philippines ghi nhận thêm 97 ca tử vong do COVID-19. Tổng số người không qua khỏi tại nước này lên 17.622 người.

Chú thích ảnh
Người dân chờ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 1/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cũng theo Bộ Y tế Philippines, nước này có thêm 289 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên tại Anh, 380 ca nhiễm biến thể được phát hiện tại Nam Phi và 9 ca nhiễm biến thể được phát hiện ở Philippines. Các biến thể này được phát hiện trong các mẫu lấy từ những công dân địa phương và vừa trở về từ nước ngoài. Do đó, nhà chức trách đề nghị người dân tuân thủ các khuyến cáo, nâng cao cảnh giác trước dịch bệnh.

Indonesia phát hiện nhiều ca nhiễm biến thể mới   

Trong ngày 4/5, Bộ Y tế Indonesia cho biết từ tháng 2-4 vừa qua, nước này đã phát hiện 17 ca nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2, được phát hiện tại Anh, Ấn Độ và Nam Phi. Đây là các ca lây nhiễm cộng đồng hoặc ở những người nhập cảnh.

Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi cho biết trong số 17 ca nói trên, đây là các ca lây nhiễm cộng đồng hoặc ở những người nhập cảnh. 13 ca nhiễm biến thể B117, 3 ca nhiễm biến thể B1617 và 1 ca nhiễm biến thể B1531.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 1/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó hôm 3/5, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết quốc gia này đã phát hiện các biến thể virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ Ấn Độ và Nam Phi.

 

Lào: Ca nhiễm vượt mốc 1.000 ca

Chiều ngày 4/5, Bộ Y tế Lào cho biết nước này đã ghi nhận thêm 60 ca mắc COVID-19 mới tại 5/18 tỉnh thành trong 24 giờ qua. Đáng chú ý đây lần đầu tiên trong nhiều ngày, số ca nhiễm mới tại thủ đô Viêng Chăn chỉ ở mức 1 chữ số, trong khi tình hình các điểm dịch ở tỉnh Bokeo và Champasak vẫn còn khá phức tạp.

Trái với mức độ tăng chóng mặt trong những ngày đầu bùng dịch, số ca mắc mới tại thủ đô Viêng Chăn trong những ngày qua đã chững lại và có dấu hiệu giảm xuống với chỉ 8 ca được ghi nhận trong ngày 4/5. Trong khi đó số ca mắc mới tại tỉnh Champasak, Nam Lào vẫn là 30 ca và tỉnh Bokeo là 20 ca…

Chú thích ảnh
Nhà chức trách Lào tăng cường kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn người nhập cư trái phép làm lây lan dịch COVID-19. Ảnh: Vientiane Times

Liên quan đến tình hình lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng người Việt tại Lào, đến nay đã có ít nhất 56 người là con em kiều bào và người Việt tại Lào bị mắc COVID-19. Trước tình hình này, cùng ngày, Ủy ban chuyên trách phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Lào cùng với Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn đã ra thông báo khẩn về việc quyết định phong tỏa một số khu vực có người Việt Nam sinh sống tại thủ đô Viêng Chăn. 

Hội người Việt Nam ở thủ đô Viêng Chăn cũng kêu gọi người Việt trong cộng đồng bình tĩnh, không rời khỏi nơi cư trú, thực hiện giãn cách và các quy định phòng dịch, đặc biệt là đối với những người có tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 hoặc liên quan đến những nơi có nguy cơ cao. Ủy ban chuyên trách COVID-19 của Lào và Thành Hội đang khẩn trương bố trí quy trình và sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian sớm nhất.

Tính tới ngày 4/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 1.026 ca, trong đó có gần 1.000 ca được phát hiện từ đầu tháng 4 đến nay, phần lớn đều là các ca lây nhiễm trong cộng đồng và chưa có trường hợp nào tử vong.

Thái Lan lập bệnh viện dã chiến ICU đầu tiên 

Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) thông báo sẽ khai trương bệnh viện dã chiến chăm sóc tích cực (ICU) đầu tiên để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 thể nặng trong ngày 4/5. Bệnh viện này có thể tiếp nhận 432 bệnh nhân COVID-19 nặng, cung cấp các chuyên gia y tế và thiết bị để chăm sóc những bệnh nhân trên, bao gồm máy chụp X-quang phổi, máy đo nồng độ oxy và hệ thống y tế từ xa toàn diện nhằm đảm bảo bệnh nhân luôn được bác sĩ theo dõi.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Yala, Thái Lan ngày 1/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Kể từ khi xuất hiện làn sóng COVID-19 thứ 3 từ cuối tháng 3 vừa qua, thủ đô Bangkok đã chứng kiến số lượng bệnh nhân có các triệu chứng từ trung bình đến nặng ngày càng tăng, chiếm khoảng 14% tổng số bệnh nhân được xác nhận mắc căn bệnh này. 

Theo giới chức Thái Lan, xu hướng lây nhiễm mới ở các tỉnh khác đang giảm, nhưng ở Bangkok và các vùng phụ cận lại tăng lên. Hiện mối quan tâm chính là ở Bangkok, đặc biệt là 3 cộng đồng ở quận Klong Toey, tâm điểm của một ổ dịch mới. Ổ dịch này đã khiến Chính phủ Thái Lan đẩy nhanh việc triển khai tiêm chủng tại đây vì lo ngại hệ thống y tế công cộng sẽ bị quá tải nếu không được kiểm soát do khu vực này có hàng nghìn người sinh sống trong các điều kiện chật hẹp và nhiều người trong số họ đi lại khắp Bangkok và đến các tỉnh lân cận.

Thái Lan ngày 4/5 đã ghi nhận thêm 1.763 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 72.788 ca. Ngoài ra, tại quốc gia Đông Nam Á này cũng có thêm 27 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi vì đại dịch trên lên 303 người. Trước đó, ngày 3/5, Thái Lan đã ghi nhận 31 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch bệnh và tăng gần 50% so với con số 21 ca tử vong ghi nhận trong các ngày 1/5 và 2/5.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Singapore nâng thời gian cách ly bắt buộc với du khách

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của nhiều chủng mới, Singapore đã quyết định kéo dài thời gian cách ly bắt buộc với người nhập cảnh từ các nước có nguy cơ cao lên 21 ngày, đồng thời thắt chặt hơn một số biện pháp giãn cách xã hội trong nước.

Tại cuộc họp báo trực tuyến chiều 4/5, Lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 của Singapore cho biết yêu cầu cách ly bắt buộc 21 ngày tại các cơ sở y tế sẽ được áp dụng bắt đầu từ ngày 8/5. Du khách đến từ tất cả các nước - trừ Australia, New Zealand, Brunei và Trung Quốc (gồm cả Hong Kong, Đài Loan, Macau) - đều là đối tượng áp dụng của quy định mới này.

Đối với Fiji và Việt Nam, những du khách đã từng ở tại 2 nước này trong 21 ngày qua (nâng so với tiêu chí 14 ngày trước đây) khi nhập cảnh vào Singapore cũng sẽ phải cách ly 21 ngày tại các cơ sở y tế, nhưng 7 ngày cuối có thể được lựa chọn cách ly tại nhà. Trước đó, du khách đến từ Fiji và Việt Nam chỉ cách ly 14 ngày và được lựa chọn cách ly tại nhà.

Chú thích ảnh
Thực khách giãn cách tại một nhà hàng ở Singapore. Ảnh: Straits Times

Ngoài các biện pháp mới công bố ngày 30/4 vừa qua, Singapore cũng quyết định thắt chặt hơn nữa một số biện pháp giãn cách xã hội để giảm đi lại và tương tác trong thời gian từ ngày 8/5 đến 30/5. Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong cảnh báo không loại trừ khả năng Singapore sẽ phải tiến hành phong tỏa lần thứ hai, nhưng ông hy vọng các biện pháp tăng cường có thể giúp loại bỏ nguy cơ này.

Trong tuần qua, Singapore đã có 60 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, tăng so với mức 10 ca của tuần trước. Ngày 4/5, nước này ghi nhận 17 ca nhiễm mới, trong đó có 5 ca nhiễm trong cộng đồng và đều liên quan tới ổ dịch tại bệnh viện Tan Tock Seng. Như vậy, tại ổ dịch này tới nay đã có tổng cộng 40 ca nhiễm, trong đó có 1 nữ y tá người Việt Nam, 1 ca là người Singapore tử vong do cao tuổi và có bệnh lý nền, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch tới nay lên 31 ca.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Nỗi đau của học sinh Pháp khi tới trường giữa đại dịch COVID-19
Nỗi đau của học sinh Pháp khi tới trường giữa đại dịch COVID-19

Tại một trường học có 20 học sinh mất đi người thân vì COVID-19, nỗi sợ hãi của các em và cái giá phải trả trong làn sóng lây nhiễm hiện nay có thể là quá cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN