Trong ngày 2/6, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Malaysia với 7.703 ca. Tiếp đó là Philippines với 5.257 ca, Indonesia với 5.246 ca, Thái Lan với 3.440 ca, Campuchia với 750 ca. Các nước còn lại ghi nhận trên dưới 200 ca mắc mới.
Về số ca tử vong, có 6 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (185 ca), Philippines (146 ca), Malaysia (126 ca), Thái Lan (38 ca), Campuchia (10 ca) và Việt Nam (1 ca).
Malaysia ghi nhận số ca tử vong theo ngày lần đầu vượt ngưỡng 100 ca
Cùng với sự gia tăng trở lại về số ca mắc mới, ngày 2/6, Malaysia lần đầu ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 vượt con số 100 ca/ngày, cụ thể 126 ca, tăng 28,5% so với ngày 29/5 - thời điểm ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát (98 ca).
Theo Bộ Y tế Malaysia, ngày 2/6, nước này có 7.703 ca mắc COVID-19 mới. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca nhiễm mới trên 7.000 ca/ngày. Số ca nhiễm mới trong 2 ngày qua tăng tới 8,5%. Bang Selangor vẫn là địa phương tập trung số ca nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất trên cả nước với 2.728 ca, tiếp đó là lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur với 701 ca và bang Sarawak với 588 ca. Tới nay, Malaysia có tổng cộng 587.165 ca mắc COVID-19, bao gồm 2.993 ca tử vong, chiếm 0,51% và 82.274 ca vẫn đang dương tính với virus SARS-CoV-2, chiếm 14,01%.
Campuchia ghi nhận số ca mắc tăng trở lại
Bộ Y tế Campuchia ngày 2/6 thông báo số ca mắc COVID-19 mới ở nước này, luôn giữ ở mức tăng trên dưới 500 ca/ngày trong những tuần gần đây, đã tăng trở lại thêm 750 ca trong 24 giờ qua.
Theo thông cáo của bộ trên, trong tổng số 750 ca mắc mới có 34 ca nhập cảnh và 716 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia kể từ đầu mùa dịch đến nay lên 31.460 ca, trong đó có 24.042 người khỏi bệnh và 230 ca tử vong (sau khi có thêm 10 ca tử vong mới).
Campuchia cũng phát hiện nhiều ca nhiễm ở bên ngoài thủ đô Phnom Penh thuộc các tỉnh Banteay Meanchey, Kampong Cham, Kampong Chhnang, Takeo, Prey Veng và Svay Rieng. Dịch COVID-19 đã xuất hiện tại tất cả 25 tỉnh, thành của Campuchia.
Trong động thái mới nhất, chính quyền tỉnh Kampot (miền Nam Campuchia) vừa thông báo áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm toàn tỉnh, từ 20h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, bắt đầu từ ngày 2/6 đến 9/6 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Kampot cũng cấm buôn bán tất cả các loại đồ uống có cồn tại quán bar, cửa hiệu và nhà hàng trong một tuần.
Trong khi đó, chiến dịch tiêm phòng COVID-19 tại Campuchia đang được đẩy nhanh hơn trước nhờ quản lý hiệu quả chiến lược tiêm phòng cùng với nỗ lực của chính phủ nước này. Người phát ngôn Bộ Y tế đồng thời là người đứng đầu Ủy ban tiêm phòng COVID-19 quốc gia của Campuchia, bà Or Vandine, bày tỏ hy vọng tất cả những người sống ở Phnom Penh sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong tháng 6/2021. Theo báo cáo ngày 31/5 của bộ trên, hơn 2,6 triệu người ở Campuchia đã được tiêm phòng COVID-19, tương đương 26,25% trong tổng số 10 triệu người theo mục tiêu sẽ được tiêm phòng để đạt miễn dịch cộng đồng tại quốc gia này.
Lào ghi nhận 5 ca nhiễm mới
Bộ Y tế Lào ngày 2/6 cho biết nước này chỉ ghi nhận 5 ca nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ qua, gồm 4 ca lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay ở tỉnh khác.
Do tình hình dịch bệnh trên cả nước có dấu hiệu hạ nhiệt, Lào vừa cho đóng cửa thêm 1 bệnh viện dã
Phát biểu tại cuộc họp báo trưa 2/6, đại diện Bộ Y tế Lào nhấn mạnh dù tình hình dịch bệnh có xu hướng giảm, nhưng người dân không được chủ quan, lơ là bởi Lào vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn sự lây lan của làn sóng dịch lần này trong khi tỉ lệ tiêm vaccine của Lào vẫn thấp. Chính phủ Lào cũng đang nỗ lực hết mình để tìm kiếm thêm nguồn vaccine nhằm hoàn thành mục tiêu tiêm ít nhất cho 50% dân số trong năm 2021.
Đến nay, Lào đã tiêm được 914.021 liều vaccine, trong đó số người được tiêm mũi thứ hai là 249.355 người.
Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.934 ca mắc COVID, trong đó đã chữa khỏi 1.637 trường hợp và 3 ca tử vong.
Trong khi đó, Cục Cảnh sát nhập cư Lào sẽ tăng cường sàng lọc tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Lào, bao gồm cả các chuyên gia và người nước ngoài làm việc cho các dự án phát triển. Quyết định này nhằm đảm bảo mọi trường hợp nhập cảnh vào Lào đều được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và đảm bảo rằng tất cả những người mới đến đều được cách ly, sau khi nước này phát hiện nhiều ca mắc mới COVID-19 ở những trường hợp nhập cảnh.
Thái Lan lo ngại nguy cơ lây nhiễm từ phía Đông
Ngày 2/6, Thái Lan ghi nhận thêm 3.440 ca mắc COVID-19 và 38 ca tử vong, nâng tổng số các ca mắc và không qua khỏi lên lần lượt 165.462 ca và 1.107 ca.
Kể từ khi bùng phát làn sóng thứ 3 dịch COVID-19 từ đầu tháng 4 đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 136.599 ca nhiễm. Cùng với việc tích cực dập các ổ dịch trong nước, Chính phủ Thái Lan đang theo dõi chặt chẽ dòng người từ Campuchia đổ vào tỉnh biên giới phía Đông Sa Kaeo gần đây do lo ngại nhiều người trong số đó có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) Taweesilp Visanuyothin cho biết trong ngày 1/6, CCSA đã thảo luận về tình hình ở Sa Kaeo, nơi có tới 1.000 người từ Campuchia qua các trạm kiểm soát chính thức. Theo quan chức này, ít nhất 10% trong số đó được cho là đã bị nhiễm bệnh. Những người được xác nhận mắc COVID-19 sẽ được đưa đến bệnh viện hoặc bệnh viện dã chiến. Những người có nguy cơ lây nhiễm sẽ được cách ly tại các cơ sở ở địa phương do nhà nước bố trí. Ủy ban Các bệnh truyền nhiễm tỉnh Sa Kaeo đã thông báo với CCSA rằng nhiều cơ sở cách ly trong tỉnh đã kín phòng và có thể không đủ chỗ để đáp ứng những người mới đến. Do đó, ủy ban đã yêu cầu lập các cơ sở cách ly bổ sung ở các tỉnh lân cận và CCSA đã đồng ý hỗ trợ.
Indonesia bắt đầu tiêm chủng cho người khuyết tật
Bộ Y tế Indonesia đã bắt đầu chương trình tiêm vaccine COVID-19 cho hàng trăm nghìn người khuyết tật và người bị rối loạn tâm thần.
Người phát ngôn Bộ Y tế, bà Siti Nadia Tarmizi cho biết việc tiêm chủng này nằm trong khuôn khổ giai đoạn ba của chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19, hướng tới 63,9 triệu người dễ bị tổn thương trên các khía cạnh địa lý, xã hội và kinh tế.
Bà Nadia cho hay Bộ Y tế đặt mục tiêu tiêm chủng cho tổng cộng 562.242 người tàn tật và người bị rối loạn tâm thần, song con số này vẫn có thể thay đổi theo các số liệu báo cáo mới nhất.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani Indrawati ngày 2/6 tỏ ra bi quan về việc quốc gia này đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng vào quý I/2022 thông qua chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19.
Phát biểu tại phiên điều trần trước một ủy ban thuộc Hạ viện, bà Sri Mulyani nói: “Nếu bạn nhìn vào số lượng tiêm chủng ở Indonesia, mới chỉ có 300.000 liều được tiêm mỗi ngày. Con số này đã cao hơn so với tháng nhịn chay Ramadan, song vẫn chưa đạt mức 500.000 - 1 triệu liều mỗi ngày mà Indonesia đang nhắm đến”.
Bà Sri Mulyani nhấn mạnh rằng nếu không đạt được mục tiêu miễn dịch công đồng do chính phủ đặt ra, COVID-19 sẽ vẫn là thách thức lớn đối với quá trình phục hồi kinh tế vào năm 2022. Ngoài ra, bà Sri Mulyani cũng bày tỏ lo lắng về sự gia tăng số ca nhiễm mới hàng ngày sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid al-Fitr đồng thời cho rằng xu hướng gia tăng số ca mắc COVID-19 trong quý II này phải được kiểm soát ngay để không gây tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế.