Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam. Đông Nam Á vẫn là điểm dịch nóng nhất châu Á.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh. Indonesia đã qua đỉnh dịch lần này và tình hình đang khả quan hơn. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” ghi nhận trên 2.000 ca bệnh mới.
Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức cao, tăng mạnh trở lại. Trong 24h qua, Philippines chính là quốc gia có số ca mắc mới cao nhất khu vực.
Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua. Malaysia ghi nhận số ca tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á trong 1 ngày qua.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch bệnh. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.
Thái Lan là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 22/9 ghi nhận thêm trên 11.252 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 141 người, giảm nhẹ so với mức của mấy ngày trước đó.
Campuchia có xu thể tăng trở lại so với mấy ngày trước đây, với 637 bệnh nhân mới và 14 ca tử vong trong một ngày qua. Song Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 255.549 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 983 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng vượt ngưỡng 11,6 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 10,5 triệu trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Diễn biến dịch COVID-19 tại Đông Nam Á ngày 22/9:
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Indonesia |
4,198,678 |
+2,720 |
140,954 |
+149 |
4,008,062 |
Philippines |
2,417,419 |
+15,592 |
37,228 |
+154 |
2,217,611 |
Malaysia |
2,139,019 |
+12,092 |
24,365 |
+287 |
1,897,383 |
Thái Lan |
1,511,357 |
+11,252 |
15,753 |
+141 |
1,366,533 |
Việt Nam |
718,963 |
+11,527 |
17,781 |
+236 |
487,262 |
Myanmar |
449,845 |
|
17,202 |
|
402,320 |
Campuchia |
105,981 |
+637 |
2,154 |
+14 |
98,655 |
Singapore |
79,899 |
|
65 |
|
71,628 |
Lào |
19,952 |
+222 |
16 |
|
5,568 |
Brunei |
5,586 |
+201 |
31 |
+2 |
3,770 |
Số ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại Lào vẫn ở mức cao
Bộ Y tế Lào ngày 22/9 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 222 ca mắc mới COVID-19; trong đó có tới 210 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Số ca mới từ người nhập cảnh đang giảm đáng kể nhưng số ca lây nhiễm trong cộng đồng lại gia tăng ở mức đáng lo ngại tại nhiều tỉnh, thành phố. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục ghi nhận nhiều ca nhiễm cộng đồng nhất cả nước trong một ngày với 75 ca và hầu hết đều có liên quan đến ổ dịch nhà máy may mặc trên địa bàn.
Trong khi đó, tình hình dịch tại các tỉnh khác vẫn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, trong 24 giờ qua, ngoài các tỉnh vẫn ghi nhận số ca nhiễm cộng đồng cao trong thời gian qua như Champasak, Khammuan…, tỉnh Viêng Chăn cũng ghi nhận số ca tăng đột biến với 44 ca cộng đồng. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 19.952 ca, trong đó có 16 người tử vong.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào yêu cầu người dân cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch đã được khuyến cáo để hạn chế dịch lây lan trên diện rộng; đồng thời, kêu gọi người từng tiếp xúc gần với bệnh nhân đến ngay Trung tâm dã chiến trên địa bàn thủ đô Viêng Chăn để lấy mẫu xét nghiệm.
Trong một diễn biến liên quan khác, Cục Hàng không dân dụng Lào cho biết chuyến bay chở 30.000 liều vaccine Sputnik Light cùng một số vật tư y tế do Nga viện trợ đã khởi hành từ Krasnoyarsk dự kiến đến Viêng Chăn chiều 22/9.
Đây là đợt viện trợ vaccine COVID-19 thứ 2 của Nga cho Lào nhằm giúp nước này thực hiện mục tiêu tiêm chủng. Sputnik Light là loại vaccine tiêm một liều duy nhất, được phát triển bởi Viện Gamaleya (Nga) và được cấp phép sử dụng lần đầu tiên vào tháng 5.
Thái Lan đẩy mạnh tiêm chủng vaccine
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết nước này sẽ tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 và đưa ra các biện pháp kích thích khẩn cấp nhằm giảm thiểu tác động của làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng nhất.
Phát biểu tại họp báo do cơ quan kế hoạch nhà nước tổ chức, ông Prayuth cho biết chính phủ hy vọng tình hình sẽ nhanh chóng bình thường trở lại. Ông khẳng định: “Chính phủ sẽ nỗ lực hết mình giải quyết cuộc khủng hoảng này, để người dân có thể trở lại cuộc sống bình thường trong thời gian sớm nhất”.
Thái Lan đã ghi nhận hơn 1,5 triệu ca nhiễm, trong đó có 15.000 ca tử vong. Khoảng 99% trong số này ghi nhận từ tháng 4 đến nay sau một năm kiềm chế dịch khá tốt. Đến nay, chỉ 22% trong số 72 triệu người sống trên lãnh thổ Thái Lan được tiêm phòng đầy đủ. Nhà chức trách muốn tỷ lệ này cao hơn trước khi mở cửa trở lại hoàn toàn đón du khách.
Chính phủ đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm ứng phó với đại dịch, trong đó có gói cho vay trị giá 1.500 tỷ baht (45 tỷ USD), bao gồm 500 tỷ baht được phê chuẩn trong năm nay. Đầu tuần này, chính phủ cũng đã nâng mức trần nợ công để cho phép vay nợ nhiều hơn nếu cần.
Tại Campuchia, chiều 22/9, chính quyền thủ đô Phnom Penh tiếp tục ban hành quyết định ngừng hoạt động một số ngành nghề kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 cao cũng như các hoạt động tập trung đông người thêm 14 ngày bắt đầu từ ngày 24/9 đến ngày 7/10.
Các biện pháp hành chính sẽ được áp dụng đối với các loại hình kinh doanh như câu lạc bộ, karaoke, quán bar, sàn nhảy, quán trà, kinh doanh sân vườn, casino, khu nghỉ dưỡng, viện bảo tàng, các loại công viên, dịch vụ xông hơi massage, quán rượu, rạp chiếu phim, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao.
Trong thời gian thủ đô Phnom Penh tiếp tục áp dụng biện pháp hành chính, tạm thời hoãn cuộc họp, tập trung trên 15 người ngoại trừ các trường hợp tập trung các thành viên sống trong cùng một gia đình hoặc nơi tạm trú, tổ chức lễ tang theo quy định được phép của cấp có thẩm quyền, các cuộc tập trung của tổ chức nhà nước để thực hiện các biện pháp y tế và việc tập trung của các nhân viên nhà nước trong trường hợp khẩn cấp để giữ gìn an ninh, trật tự xã hội.
Trước đó, cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận thêm 637 ca mới và 14 ca tử vong. Cho đến nay Campuchia đã phát hiện tổng cộng 105.981 ca mắc COVID-19 và 2.154 ca tử vong.