Trong ngày 19/9, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất tiếp tục là Philippines với 19.271 ca. Tổng số ca mắc tại quốc gia này đã là 2.366.749 ca.
Đứng số 2 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Malaysia 14.954 ca. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.082.876 ca mắc COVID-19.
Thái Lan đứng thứ 3 ASEAN về ca mắc trong ngày 19/9 với 13.576 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 1.476.477 ca.
Tiếp đó là Việt Nam với 10.040 ca, Indonesia với 2.234 ca mắc, Campuchia với 612 ca, Lào với 371 ca, Brunei với 90 ca, và Timor-Leste với 39 ca.
Về số ca tử vong, có 7 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Malaysia (324 ca), Việt Nam (233 ca), Philippines (205 ca), Indonesia (145 ca), Thái Lan (117 ca), Campuchia (13 ca) và Timo-Lester (1 ca).
Malaysia sẽ tiêm mũi vaccine tăng cường cho nhân viên tuyến đầu và người cao tuổi
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri cho biết chính phủ nước này đã quyết định tiêm mũi tăng cường vaccine COVID-19 cho những nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi để nâng cao hệ miễn dịch.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 19/9, Thủ tướng Ismail nhấn mạnh việc triển khai mũi tiêm tăng cường cho các nhóm có nguy cơ cao như có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch và người cao tuổi sẽ được triển khai sau khi tỷ lệ tiêm chủng quốc gia đạt 80% nhóm người trưởng thành. Mũi tiêm tăng cường này sẽ làm tăng khả năng miễn dịch ở những người có nguy cơ cao vì khả năng miễn dịch của họ có thể suy giảm sau một thời gian nhất định kể từ khi tiêm mũi thứ hai.
Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết việc triển khai mũi tiêm tăng cường có thể sẽ được bắt đầu vào tháng 10 tới. Trước đó, ông Khairy cảnh báo rằng nguyên nhân của số ca nhiễm mới và tử vong tại bang Sarawak tăng cao có thể là do hệ miễn dịch suy giảm. Sarawak là bang có tỷ lệ tiêm chủng cao và sớm nhất cả nước. Nếu điều này được chứng minh là đúng thì các bang khác sẽ đối mặt với tình trạng tương tự trong những tháng tới. Ngoài việc hiệu quả của vaccine bị giảm theo thời gian, ông Khairy cho biết khả năng gia tăng số ca nhiễm ở Bornean cũng có thể là do biến thể Delta cũng như nền kinh tế đang dần mở cửa trở lại.
Theo thống kê của Chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19, tính đến ngày 18/9, đã có 78,2% người Malaysia trưởng thành hoàn thành tiêm chủng. Riêng ngày 18/9 Malaysia đã thực hiện được 232.559 mũi tiêm. Tính trên tổng dân số, có khoảng 67,2% được tiêm ít nhất 1 mũi và 56% đã tiêm chủng đầy đủ.
Tính đến hết ngày 18/9, trong 24 giờ qua, Malaysia có thêm 15.549 ca mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 2.082.876 ca. Có thêm 324 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này lên 23.067 ca.
Lào tăng cường biện pháp phòng dịch COVID-19 tại thủ đô Viêng Chăn
Bộ Y tế Lào ngày 19/9 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 371 ca mắc mới COVID-19; trong đó có tới 303 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 19.185 ca, trong đó có 16 người tử vong.
Theo Bộ Y tế Lào, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại nước này vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, thủ đô Viêng Chăn tiếp tục ghi nhận số ca cộng đồng cao nhất cả nước với 225 ca; trong đó, ổ dịch tại một nhà máy may mặc trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp khi ghi nhận 179 trường hợp mắc COVID-19 trong một ngày.
Ngoài ra, một số tỉnh khác của nước này vẫn ghi nhận nhiều ca lây nhiễm cộng đồng trong một ngày như: Khammuan 27 ca, Champasak 26 ca…
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào đêm 18/9 đã gửi thông báo hỏa tốc, đồng ý với đề nghị của Chính quyền thủ đô Viêng Chăn cho phép phong toả cục bộ 4 quận nội thành và một phần của 3 quận khác tại thủ đô kể từ 0h ngày 19/9 đến 24h ngày 30/9.
Đề nghị được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm cộng đồng ở thủ đô Viêng Chăn những ngày qua gia tăng đáng lo ngại, được cho là do người dân phớt lờ các quy định phòng chống lây nhiễm, tụ tập đông người ở nhiều nơi trong thành phố. Việc thủ đô Viêng Chăn ngày 18/9 phát hiện một ổ dịch lớn với 247 ca nhiễm tại một nhà máy may đã làm dấy lên nguy cơ bùng phát trên diện rộng và buộc chính quyền phải đi tới quyết định trên.
Theo đề xuất, thủ đô Viêng Chăn sẽ áp dụng lệnh phong toả hoàn toàn tại 4 quận trung tâm là Chanthabouly, Sikhottabong, Sisattanak và Xaysettha, trong khi việc đi lại tại 3 quận khác sẽ bị phong tỏa một phần.
Theo đó, việc đi lại ở các vùng phong toả bị cấm hoàn toàn, ngoại trừ trường hợp được cấp phép. Các nhà máy tại khu vực bị phong toả cũng sẽ phải đóng cửa, ngoại trừ những nhà máy được xác nhận là đủ điều kiện hoạt động. Trong khi Chính quyền thủ Viêng Chăn sẽ trưng dụng lại một số trường học để làm nơi cách ly người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19.
Bên cạnh việc phong tỏa, mức phạt đối với các trường hợp vi phạm cũng sẽ bị tăng rất nặng, có thể lên đến 10 triệu Kip (khoảng 20 triệu đồng) hoặc đối mặt với biện pháp truy tố. Để chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống một làn sóng lây nhiễm mới xuất hiện tại thủ đô, chính quyền thủ đô Viêng Chăn cũng lên kế hoạch mở thêm bệnh viện dã chiến và các điểm xét nghiệm lưu động.
Indonesia tiếp nhận hơn 1,1 triệu liều vaccine do Mỹ viện trợ
Ngày 19/9, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia Johnny G. Plate cho biết nước này đã tiếp nhận thêm 1.140.750 liều vaccine COVID-19 của hãng Pfizer. Đây là lô vaccine thứ ba do Chính phủ Mỹ viện trợ qua Cơ chế COVAX. Trước đó, Indonesia đã tiếp nhận 877.500 liều vào ngày 16/9 và 1.755.000 liều vào ngày 17/9. Lô thứ tư với 871.650 liều dự kiến sẽ được bàn giao vào ngày 23/9.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Johnny cho hay cộng với 8.000.160 liều vaccine Moderna đã được Chính phủ Mỹ chia sẻ trước đó, tổng số vaccine mà quốc gia này viện trợ cho Indonesia lên tới 12.645.060 liều. Theo ông Johnny, việc tiếp nhận hơn 1,1 triệu liều vaccine trong ngày 19/9 nâng tổng số vaccine ngừa COVID-19 mà Indonesia đang sở hữu lên 257.350.400 liều. Ông Johnny nhấn mạnh rằng hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực ứng phó với COVID-19 của Indonesia. Ngay từ đầu, chính phủ đã thúc đẩy ngoại giao vaccine với nhiều quốc gia phục vụ cho chương trình tiêm chủng quốc gia.