COVID-19 tại ASEAN hết 11/3: Campuchia có ca tử vong đầu tiên; Toàn khối thêm 10.650 ca mắc

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 11/3, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 10.650 ca mắc COVID-19 và 190 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 2.562.956 ca, trong đó 55.210 người tử vong. 

Các nước tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 10/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Bộ Y tế Indonesia thông báo ghi nhận thêm 5.144 ca mắc COVID-19 và 117 ca tử vong trong ngày 11/3, nâng tổng số ca dương tính tại quốc gia Đông Nam Á này lên 1.403.722 ca, trong đó 38.049 ca tử vong. 

Tại Philippines, Bộ Y tế ngày 11/3 cho biết đã có thêm 3.749 ca nhiễm mới. Đây là mức cao nhất theo ngày trong gần 6 tháng, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 607.048 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á cũng đã lên tới 12.608 ca. Nhà chức trách Philippines đã cảnh báo người dân không nên chủ quan và áp dụng giãn cách xã hội để tránh làm dịch bệnh lây lan.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 28/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia cho biết tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này đã lên tới 319.364 ca, sau khi nước này có thêm 1.647 ca nhiễm mới trong ngày 11/3. Trong số các ca nhiễm mới, có 1.642 ca lây nhiễm trong nội địa. Số ca tử vong trong ngày 11/3 là 9, nâng tổng số lên 1.200 ca. Tỷ lệ khỏi bệnh là 94,1%.

Tại Thái Lan, Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) cho biết trong ngày 11/3, nước này đã ghi nhận thêm 58 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 26.598 ca. Trong số các ca nhiễm mới, có 53 ca lây nhiễm trong nội địa với 36 ca được xác nhận thông qua xét nghiệm tại các nhà máy, chợ thực phẩm và các cộng đồng tại Samut Sakhon, Pathum Thani, thủ đô Bangkok và một số tỉnh khác. Tổng cộng Thái Lan có 85 ca tử vong do COVID-19 và 26.000 bệnh nhân đã phục hồi và xuất viện. 

Campuchia công bố ca tử vong đầu tiên

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trưa 11/3 (theo giờ địa phương), Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo báo chí xác nhận nước này vừa có trường hợp đầu tiên tử vong do dịch bệnh COVID-19.

Nạn nhân là một nam giới người Campuchia, 50 tuổi và là tài xế riêng của một người Trung Quốc tại tỉnh Preah Sihanouk (cũng là bệnh nhân COVID-19 do có liên quan đến “Sự kiện lây nhiễm cộng đồng ngày 20/02/2021”). Người này đã qua đời sáng cùng ngày tại Bệnh viện Hữu nghị Campuchia-Soviet ở Phnom Penh.  

Trước đó cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận thêm 39 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 1.163 ca, trong đó 597 ca đã bình phục. Campuchia đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19. Theo thông báo của bộ trên, tính đến ngày 9/3 vừa qua, Campuchia đã tiêm chủng cho hơn 188.000 người bằng cả 2 loại vaccine Sinopharm (Trung Quốc viện trợ) và AstraZeneca (được cung cấp theo cơ chế COVAX).

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 10/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, trong phiên họp bất thường vào sáng cùng ngày, Thượng viện Campuchia đã thông qua dự luật về “Các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chết người khác lây lan”. Dự luật được 39 nghị sĩ thông qua nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Dự luật vừa được thông qua gồm 6 chương và 18 điều với mục đích phòng chống dịch COVID-19 lan rộng trong cộng đồng, cũng như áp đặt các chế tài mạnh, trong đó có phạt tù những đối tượng coi thường biện pháp phòng dịch và làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Trước đó, Quốc hội Campuchia đã thông qua dự luật vào ngày 5/3 vừa qua. 

Trong khi đó, trang mạng Fresh News của Campuchia đưa tin tối 10/3, Thủ tướng Hun Sen đã chỉ đạo các bộ và chính quyền các tỉnh lập thêm các điểm hỏa táng bệnh nhân tử vong do COVID-19. Nhà lãnh đạo Campuchia cũng chỉ đạo cho phép tín đồ Hồi giáo, dân tộc thiểu số có người thân qua đời do COVID-19 được phép chôn chất theo đúng nghi lễ, phong dục dân tộc nhưng phải đảm bảo điều kiện phòng dịch.  

Malaysia phạt nặng hành vi tung tin COVID-19 giả 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 28/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Từ ngày 12/3, Malaysia sẽ phạt tiền lên tới 100.000 RM (gần 25.000 USD), hoặc phạt tù lên tới 3 năm hoặc cả hai biện pháp đối với các trường hợp cung cấp tin giả, phát tán tin giả liên quan tới tình hình

Nội dung Sắc lệnh khẩn cấp số 2 năm 2021 đăng tải trên trang Công báo của Chính phủ Malaysia ngày 11/3 nêu rõ những thông tin hoặc tin tức giả mạo liên quan tới hai nội dung trên sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định.

Ngoài ra, tòa án có thể yêu cầu những trường hợp vi phạm phải xin lỗi những người bị ảnh hưởng. Nếu người vi phạm không thực hiện quyết định của tòa án sẽ có thể phải nộp khoản tiền phạt lên đến 50.000 RM (12.500 USD) hoặc phạt tù dưới một năm hoặc cả hai hình phạt.  

Thùy Dương/Báo Tin tức
Na Uy tạm hoãn sử dụng vaccine COVID-19 của AstraZeneca
Na Uy tạm hoãn sử dụng vaccine COVID-19 của AstraZeneca

Na Uy ngày 11/3 đã tạm ngừng sử dụng vaccine COVID-19 của công ty dược Anh AstraZeneca do thông tin có trường hợp mắc chứng máu đông sau khi tiêm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN