COVID-19 tại ASEAN hết 11/2: Trên 48.110 ca tử vong; Malaysia miễn phí vaccine cho người nước ngoài

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 11/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 13.865 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 48.110 người.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại thủ đô Jakarta của Indonesia. Ảnh: Reuters

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Myanmar và Malaysia.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây, dù số ca mắc mới bắt đầu giảm nhẹ so với mấy ngày trước. Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận thêm 8.435 ca COVID-19 và 214 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 1.191.990 ca và 32.381 ca.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 68 người thiệt mạng. Sau mấy tuần hạ nhiệt, Philippines lại đứng trước lo ngại sóng dịch tái phát khi số ca tử vong tăng cao mấy ngày gần đây. Philippines cũng đứng thứ 3 châu Á về số ca tử vong ngày 11/2.

Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia khi nước này ghi nhận tới 3.384 ca bệnh mới, 13 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.  

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Malaysia. Ảnh: Reuters

Myanmar trong 24 giờ qua cũng ghi nhận 35 ca bệnh mới và 3 ca tử vong. Dịch bệnh tại quốc gia thành viên này đang có xu thế giảm dần.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 11/2 ghi nhận thêm 201 ca bệnh mới và không có ca tử vong nào.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 48.117 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 298 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.218.591 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.906.322 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Lào và Campuchia không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.

Số liệu dịch COVID-19 tại khu vực ASEAN ngày 11/2:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 1,191,990 +8,435 32,381 +214 993,117
Philippines 543,282 +1,734 11,469 +68 500,335
Malaysia 254,988 +3,384 936 +13 202,269
Myanmar 141,522 +35 3,184 +3 128,981
Singapore 59,759 +12 29   59,558
Thái Lan 24,104 +201 80   19,799
Việt Nam 2,140 +49 35   1,528
Campuchia 478       457
Brunei 183 +1 3   175
Timor-Leste 100 +14     62
Lào 45       41
Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan ngày 11/2 công bố kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 1 triệu người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất vào tháng 5 tới và triển khai tiêm chủng đại trà sau đó một tháng, với mục tiêu mỗi tháng có 10 triệu người được tiêm chủng.

Phát biểu họp báo, ông Sopon Iamsirithaworn tại Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Thái Lan cho biết chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở nước này chia thành hai giai đoạn, gồm từ tháng 2-5 và tháng 6-12.

Trong giai đoạn đầu tiên, 2 triệu nhân viên y tế tuyến đầu ở những khu vực nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19 sẽ được tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc. Giai đoạn 6 tháng tiếp theo sử dụng 61 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca (Anh). Dự kiến, vaccine AstraZeneca sẽ được sản xuất nội địa ở Thái Lan kể từ tháng 6 tới.

Cũng theo quan chức trên, khoảng 1.000 bệnh viện ở Thái Lan đã sẵn sàng triển khai chương trình tiêm chủng. Mỗi bệnh viện có thể thực hiện tiêm 500 liều vaccine mỗi ngày, trong vòng 20 ngày có thể hoàn thành mục tiêu 10 triệu mũi tiêm/tháng.

Thái Lan có kế hoạch tiêm chủng ngừa COVID-19 cho khoảng 60% số người trưởng thành ở nước này vào cuối năm nay để tiến gần hơn tới miễn dịch cộng đồng. So với nhiều nước khác trên thế giới, tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 trên tổng số dân ở Thái Lan tương đối thấp. Đến thời điểm này, Thái Lan ghi nhận 80 ca tử vong trong tổng số hơn 24.000 ca mắc. Khoảng 80% số ca mắc được phát hiện trong hai tháng qua.

Chú thích ảnh
Người dân di chuyển trên đường phố tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 2/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo Chương trình Tiêm chủng quốc gia Malaysia, nước này sẽ đề nghị tiêm vaccine phòng COVID-19 miễn phí cho hàng triệu người nước ngoài. Đề nghị trên được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang tìm cách kiểm soát các cụm lây nhiễm xuất hiện trong các nhà máy, đồn điền và công trường.

Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới, đồng thời là Bộ trưởng Điều phối chương tình tiêm chủng COVID-19 của Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết các nhà ngoại giao, người nước ngoài, sinh viên, gia đình người nước ngoài đang sinh sống tại Malaysia, người lao động nước ngoài sẽ được tiêm miễn phí trong đợt tiêm chủng này.

Nội các Malaysia cũng đã đồng ý cung cấp vaccine miễn phí cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Tuy nhiên, Ủy ban Cung ứng vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ sẽ thảo luận thêm về cách thực hiện, đồng thời sẽ liên hệ với chính quyền các bang, đại sứ quán nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ.

Trong tuyên bố, Ủy ban Cung ứng vaccine COVID-19 của Chính phủ Malaysia cho biết quyết định tiêm vaccine cho những nhóm trên được cho là cần thiết để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng vì "không ai an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn". Bên cạnh đó, tuyên bố nêu rõ người nước ngoài đã trở thành một phần trong cộng đồng ở Malaysia và đóng góp vào nền kinh tế của nước này. Thông tin chi tiết về lịch tiêm vaccine cho người nước ngoài sẽ được thông báo cụ thể sau.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 10/2: Trên 2,2 triệu ca bệnh; Indonesia và Philippines dẫn đầu châu Á về số ca tử vong
COVID-19 tại ASEAN hết 10/2: Trên 2,2 triệu ca bệnh; Indonesia và Philippines dẫn đầu châu Á về số ca tử vong

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 10/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 13.649 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 47.800 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN