COVID-19 tại ASEAN hết 9/2: Myanmar sụp đổ xét nghiệm do bất ổn; Thái Lan sẽ tiêm vaccine Trung Quốc

Ngày 9/2, các nước ASEAN ghi nhận gần 13.000 ca mắc COVID-19 và 291 ca tử vong. Thái Lan sẽ khởi động chương trình chủng ngừa hàng loạt với vaccine Sinovac, Trung Quốc; trong khi hoạt động xét nghiệm tại Myanmar gần như sụp đổ sau bất ổn chính trị.

Chú thích ảnh
Malaysia cho phép mở lại các nhà hàng phục vụ tại chỗ kể từ ngày 10/2. Ảnh: Reuters 

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 9/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 12.921 ca mắc COVID-19 và 291 ca tử vong.

Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 2.201.080 ca mắc COVID-19 trong đó có 47.504 ca tử vong và 1.877.813 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó riêng Indonesia chiếm phần lớn với 213 ca. Với 8.700 ca nhiễm mới Indonesia vẫn đang chứng kiến tốc độ lây lan ghê gớm. Nước này tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN với số ca tử vong lên tới gần 32.000 người.

Tình hình Malaysia tiếp tục diễn biến căng thẳng chỉ sau Indonesia với trên 2.700 ca nhiễm trong ngày 9/2. Trong khi đó, Thái Lan đang dần khống chế được dịch với 189 ca nhiễm mới, giảm mạnh so với tuần trước. 

Các quốc gia Brunei, Lào không ghi nhận ca nhiễm mới nào, trong khi Campuchia có thêm 2 ca, Timor Leste thêm 6 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Petaling Jaya, Malaysia, ngày 18/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Chú thích ảnh
 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 9/2/2021 (Theo số liệu của worldometers.info).  

Thái Lan đặt niềm tin vào vaccine Trung Quốc

Theo báo Straits Times (Singapore), Thái Lan sẽ dựa vào vaccine của công ty Sinovac Biotech, Trung Quốc khi kích hoạt chiến dịch tiêm phòng COVID-19 đại trà vào cuối tháng 2 này. Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho 2/3 dân số vào cuối năm nay, mở đường cho việc mở cửa lại hoàn toàn ngành công nghiệp du lịch của nước này.

Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul, các nhà quản lý Thái Lan dự kiến sẽ phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine Sinovac song song với việc tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên gồm 200.000 liều vào cuối tháng này. 

Tuy vậy phần lớn nhu cầu vaccine của Thái Lan sẽ được đáp ứng từ AstraZeneca (Anh-Thuỵ Điển) với những liều vaccine nhượng quyền được sản xuất tại địa phương bởi một nhà sản xuất Thái Lan.

Chú thích ảnh
Thái Lan dự kiến sẽ phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine Sinovac của Trung Quốc. Ảnh: AFP

Nhà chức trách Thái Lan trước đó đã đặt mua 50.000 liều vaccine AstraZeneca để tiêm cho các nhân viên y tế tuyến đầu kể từ ngày 7/2 vừa qua, nhưng tranh chấp giữa công ty AstraZeneca với Liên minh châu Âu đã trì hoãn nguồn cung cấp này. 

Công ty Thái Lan Siam Bioscience đã đạt thoả thuận với AstraZeneca về sản xuất vaccine tại địa phương, và sẽ được cung cấp ít nhất 10 triệu liều/tháng để phục vụ chương trình chủng ngừa của chính phủ. Nhà máy của Siam Bioscience có công suất lên tới 200 triệu liều/năm và công ty dự định sẽ xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.

Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết tốc độ phục hồi kinh tế trong năm 2021 phụ thuộc vào sự thành công của chiến dịch tiêm chủng và sự trở lại của khách du lịch nước ngoài. 

"Kế hoạch lớn là sử dụng vaccine AstraZeneca để tiêm cho mọi người dân Thái Lan, bắt đầu từ tháng 6 trở đi", Phó Thủ tướng Anutin cho biết và bổ sung: "Sẽ phải đến cuối năm để tiêm được 63 triệu liều, qua đó chủng ngừa cho 60-65% dân số".

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines, ngày 12/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Myanmar: Chương trình xét nghiệm COVID sụp đổ do bất ổn chính trị

Theo Reuters, hoạt động xét nghiệm COVID-19 đã sụp đổ tại Myanmar sau khi bùng phát khủng hoảng chính trị ngày 1/2. 

Số lượng xét nghiệm được tiến hành vào ngày 8/2 chỉ đạt 1.987, so với trên 9.000 xét nghiệm/ngày trong tuần trước, và mức trung bình trên 17.000 xét nghiệm/ngày trong tuần lễ trước bất ổn. 

Số ca nhiễm COVID được phát hiện trong ngày 8/2 chỉ có 4 trường hợp - quá thấp so với mức trung bình 420 ca/ngày trong tuần cuối tháng 1.

Người phát ngôn Bộ Y tế Myanmar đã từ chối bình luận về vấn đề này. Trong một tuyên bố ngày 8/2, bộ này kêu gọi sự giúp đỡ của các nhân viên ngành y tế với chiến dịch tiêm chủng phòng COVID đã bắt đầu từ cuối tháng trước.

Myanmar là quốc gia đứng thứ tư ở Đông Nam Á về ca nhiễm COVID, với 141.427 ca tính đến hết ngày 9/2, bao gồm 3.177 ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế tại Jakarta, Indonesia, ngày 4/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Malaysia mở lại nhiều hoạt động kinh doanh

Chính phủ Malaysia ngày 9/2 đã cho phép thêm nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ mở cửa lại, kể từ 10/2, nhằm hỗ trợ nền kinh tế. 

Chính phủ cũng cho phép các nhà hàng tiếp khách ăn tại bàn, với quy định 2 người ngồi một bàn và giãn cách tối thiểu một mét. Các cửa hàng mỹ phẩm, đồ bếp, studio ảnh, cửa hàng hoa... cũng được mở cửa.

Động thái này diễn ra sau quyết định gây tranh cãi vào tuần trước của chính phủ, cho phép mở lại chợ đêm và các tiệm cắt tóc trong bối cảnh số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao.

Các thánh đường cũng được phép mở cửa lại ở hầu hết các bang, với hạn chế một nửa hoặc 1/4 công suất và buộc phải tuân thủ các giao thức an toàn.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Petaling Jaya, Malaysia, ngày 18/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tất cả các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ phải khử trùng 3 lần/ngày, trong khi các cửa hiệu quần áo phải cung cấp găng tay dùng một lần cho khách. 

Ngày 9/2, Malaysia ghi nhận 2.764 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 248.316 trường hợp; trong đó có 909 ca tử vong.

Theo Bloomberg, lệnh phong toả đã khiến Malaysia tổn thất 700 triệu RM (239 triệu USD) mỗi ngày. Nước này dự kiến sẽ khởi động chương trình tiêm vaccine phòng COVID vào cuối tháng 2 này.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Giới khoa học Australia xác định các yếu tố nguy cơ cao gây tử vong ở bệnh nhân COVID-19
Giới khoa học Australia xác định các yếu tố nguy cơ cao gây tử vong ở bệnh nhân COVID-19

Các nhà khoa học thuộc Đại học Griffith của Australia đã phát hiện ra rằng ung thư, bệnh thận mãn tính, tiểu đường và huyết áp cao là 4 bệnh nền nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong, nếu những người mắc bệnh này nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN