COVID-19 tại ASEAN hết 1/12: Có tới 9 nước phát sinh ca bệnh mới; Toàn khối trên 27.960 ca tử vong

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 1/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 9.366 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 27.960 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 23/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN vẫn có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục được khống chế tốt trong những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận 1.472 ca bệnh phát sinh và 3 ca tử vong trong 1 ngày qua.

Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.476 ca bệnh mới và 31 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Banten, Indonesia ngày 11/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Như vậy, trong 24 giờ qua, Myanmar đã vượt qua Philippines trở thành nước có số ca tử vong vì đại dịch nhiều thứ hai trong số các nước thành viên của khối.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 27.961 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 197 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.200.391 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.044.965 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ có Timor Leste v à Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 1/12.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 1/12:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 543,975 +5,092 17,081 +136 454,879
Philippines 432,925 +1,298 8,418 +27 398,782
Myanmar 92,189 +1,476 1,972 +31 71,343
Malaysia 67,169 +1,472 363 +3 56,311
Singapore 58,228 +10 29   58,139
Thái Lan 4,008 +10 60   3,811
Việt Nam 1,351 +4 35   1,195
Campuchia 326 +3     304
Brunei 151 +1 3   145
Lào 39       26
Timor-Leste 30       3
Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 23/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Malaysia, ngày 1/12, Cơ quan an ninh xã hội Malaysia (Socso) đã bắt đầu cung cấp các bộ xét nghiệm COVID-19 cho công nhân nước ngoài thuộc phạm vi quản lý của cơ quan này. Việc cung cấp các bộ kit xét nghiệm là một phần trong kế hoạch triển khai “Chương trình xét nghiệm COVID-19 cho công nhân nước ngoài” do Bộ Nhân lực Malaysia chủ trì với sự hợp tác của Socsco.

Theo kế hoạch, Socsco sẽ cung cấp kit xét nghiệm cho khoảng 900.000 công nhân nước ngoài, trước mắt là ở các địa điểm có số ca mắc COVID-19 cao và có nhiều công nhân nước ngoài sinh sống và làm việc, như khu vực Klang (bang Selangor), Seremban (bang Negeri Sembilan), thủ đô Kuala Lumpur và bang Penang. Tiếp đó sẽ là bang Sabah, Labuan và những nơi còn lại tại bang Selangor, Penang và Negeri Sembilan.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 23/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trước đó, ngày 27/11, Bộ trưởng Cao cấp phụ trách an ninh Ismail Sabri Yaakob thông báo, tất cả công nhân nước ngoài tại Malaysia phải xét nghiệm COVID-19. Quyết định này được Hội đồng An ninh Malaysia đưa ra sau khi nước này ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc COVID-19 liên quan đến công nhân nước ngoài làm việc tại các công trường xây dựng và các nhà máy, đặc biệt là ổ dịch ở Teratai (bang Selangor), công trường xây dựng Damanlela và công trường Awan Baru (Kuala Lumpur).

Tính đến ngày 30/11, Malaysia ghi nhận tổng cộng 65.697 ca mắc COVID-19, trong đó 54.759 ca đã khỏi bệnh, 360 ca tử vong, 10.578 ca đang phải điều trị. Trong những ngày qua, mỗi ngày Malaysia ghi nhận trên dưới một nghìn ca mắc mới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Singapore, bắt đầu từ ngày 1/12, bất cứ ai ở “Đảo quốc sư tử” cần xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) COVID-19 đều có thể thực hiện tại các phòng khám tư nhân được cấp phép.

Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong cho biết việc mở rộng năng lực xét nghiệm của các cơ sở y tế là một phần trong nỗ lực đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của người dân trong bối cảnh nước này tiếp tục nới lỏng nhiều hoạt động kinh tế và cộng đồng. Những người muốn làm xét nghiệm tại các cơ sở y tế này phải đặt lịch hẹn và phải trả phí khoảng 200 SGD (khoảng 150 USD) bao gồm cả thuế hàng hóa và dịch vụ (GST).

Từ tháng 4 vừa qua, các phòng khám đa khoa và một số phòng khám tư nhân của Singapore đã được phép làm xét nghiệm nhanh, với khoảng 30 xét nghiệm/tuần theo một chương trình cho phép tiến hành với những bệnh nhân đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định. Trước đó, tất cả các xét nghiệm COVID-19 bằng tăm bông đều được thực hiện tại các bệnh viện. Nhu cầu làm xét nghiệm COVID-19 tại Singapore tăng 40-50% kể từ tháng 8 vừa qua.

 

Chú thích ảnh
Các học sinh tiến hành sát khuẩn tay nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, trước khi vào lớp ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 2/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 1/12, Bộ Y tế Campuchia thông báo phát hiện thêm 3 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 liên quan “sự kiện cộng đồng 28/11” - vụ lây nhiễm cộng đồng đầu tiên được phát hiện ở Campuchia ngày 28/11 vừa qua. 3 ca mắc mới là người Campuchia, gồm một bệnh nhân nữ 64 tuổi, một bệnh nhân nữ 25 tuổi và một trẻ 7 tháng tuổi, đều sống ở thủ đô Phnom Penh.

Liên quan “sự kiện cộng đồng ngày 28/11”, trong ngày 30/11, Bộ Y tế Campuchia đã xét nghiệm 2.621 người liên quan, trong đó có 2.131 người ở Phnom Penh. Tổng số người được xét nghiệm trong 2 ngày 29 và 30/11 vừa qua là 4.869 người. Kết quả xét nghiệm cho thấy có 17 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cho biết bộ này đang nỗ lực truy vết để nhanh chóng xét nghiệm những trường hợp liên quan “sự kiện cộng đồng ngày 28/11” trên phạm vi cả nước, đặc biệt tại Phnom Penh và Siem Reap.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra một người lao động nhập cư nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 20/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bà Or Vandine, nhóm làm việc của Bộ Y tế đã tới các điểm liên quan sự kiện trên, yêu cầu những trường hợp có tiếp xúc với ca mắc COVID-19 tiến hành xét nghiệm. Tại địa phương, nhóm công tác đề nghị giới chức địa phương lấy mẫu xét nghiệm để gửi về Phnom Penh.

Hiện tại Campuchia có 2 trung tâm xét nghiệm COVID-19 tại Phnom Penh, Siem Reap và đang xây dựng 2 cơ sở nữa tại hai tỉnh Preah Sihanouk và Battambang. Chính phủ Campuchia đã quyết định chi 290.000 USD để hỗ trợ những đối tượng nghèo phải cách ly 14 ngày, theo đó, mỗi gia đình sẽ được nhận 5 USD/ngày trong 15 ngày cách ly.

Tính đến sáng 1/12, Campuchia có 326 trường hợp mắc COVID-19, 304 bệnh nhân đã được điều trị khỏi ra viện và vẫn còn 22 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Khmer-Xô Viết Phnom Penh.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại cây cầu hữu nghị ở biên giới Thái Lan - Myanmar tại Mae Sot, tỉnh Tak, ngày 29/10/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại Thái Lan, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã ra lệnh thực hiện hành động pháp lý đầy đủ nhất đối với những phụ nữ Thái Lan mắc COVID-19 về nước bất hợp pháp từ thị trấn Tachilek ở Myanmar và trốn tránh cách ly.

Tuyên bố của Bộ trưởng Y tế Anutin được đưa ra sau khi các nhà chức trách Thái Lan phát hiện 6 nữ công dân xâm nhập vào tỉnh Chiang Rai, giáp giới với Myanmar thông qua một lối đi tự nhiên vào ngày 24/11 và sau đó đã đi đến nhiều nơi. Bốn người trong số đó đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch tại Thái Lan. Ảnh: AP

Theo ông Anutin, việc những phụ nữ nói trên không được cách ly đã khiến cho chính phủ phải tốn kém khi xét nghiệm tất cả những người tiếp xúc gần với họ nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Ông Anutin ra lệnh cho các quan chức y tế địa phương chuẩn bị các vụ kiện để các tỉnh trưởng có hành động pháp lý đối với những đối tượng trên. Bộ Y tế cũng sẽ có hành động pháp lý riêng biệt.

Về tình hình dịch bệnh ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này ngày 1/12 ghi nhận thêm 10 ca mắc mới COVID-19 được phát hiện trong các cơ sở cách ly, nâng tổng số lên 4.008 ca, trong đó có 60 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lây mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Medan, Bắc Sumatra, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 1/12, Thống đốc thành phố Jakarta của Indonesia, ông Anies Baswedan, thông báo đã nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong đoạn video đăng trên tài khoản Instagram cá nhân, Thống đốc Baswedan cho biết hiện ông không có triệu chứng của bệnh COVID-19 và đang trong quá trình tự cách ly. Ông cũng khuyến cáo người dân không nên lơ là, chủ quan với dịch bệnh.

Indonesia đang nỗ lực khống chế số ca mắc COVID-19 liên tục tăng cao mỗi ngày. Trong tuần qua, quốc gia đông dân nhất khu vực Đông Nam Á và đông dân thứ 4 trên thế giới này liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao nhất kể từ đầu dịch. Với hơn 530.000 ca mắc COVID-19 và gần 17.000 ca tử vong tính đến thời điểm này, Indonesia hiện có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Riêng tại thủ đô Jakarta, tháng 11 vừa qua chứng kiến số ca mắc ở mức cao chưa từng thấy, trung bình 1.240 ca/ngày.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
EU - ASEAN tăng cường hợp tác chống dịch bệnh COVID-19
EU - ASEAN tăng cường hợp tác chống dịch bệnh COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 1/12, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) đã triệu tập Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - EU (AEMM) trực tuyến lần thứ 23 thảo luận về mối quan hệ trong tương lai, các vấn đề quốc tế và đặc biệt là cách thức tiến hành hợp tác để chống dịch COVID-19 và tạo đà phục hồi mạnh mẽ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN