Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 28/9 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 33.290.383 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.001.967 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 24.608.236 người, 7.679.613 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 65.324 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (82.767 ca), Mỹ (31.888 ca) và Brazil (14.194 ca); Ấn Độ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.040 ca), tiếp theo là Brazil (300 ca) và Mỹ (266 ca).
Châu Á: Ấn Độ cam kết sản xuất và phân phối vaccine COVID-19 cho cả thế giới
Thủ tướng Ấn Narendra ngày 27/9 cho biết, nước này đang xúc tiến giai đoạn 3 thử nghiệm vaccine COVID-19 trước khi tiến hành sản xuất hàng loạt trong bối cảnh các ca lây nhiễm và tử vong liên tục dẫn đầu thế giới.
Ông Modi cam kết trong bài diễn văn phát tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc rằng năng lực sản xuất vaccine của Ấn Độ sẽ đảm bảo cho cả cộng đồng thế giới. "Là đất nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, hôm nay tôi muốn đưa ra thêm một cam kết với cộng đồng thế giới. Năng lực sản xuất và phân phối vaccine của Ấn Độ sẽ được sử dụng để giúp cả nhân loại trong cuộc chiến đấu với cuộc khủng hoảng này", Thủ tướng Modi nói.
Đến 6h sáng 28/9, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 6.073.348 ca COVID-19, tăng 82.767 ca trong 24 giờ qua, và tổng ca tử vong là 95.574 người.
Australia nới lỏng giãn cách xã hội
Tại Australia, bang New South Wales - bang đông dân nhất đất nước- ghi nhận ngày đầu tiên không có ca mắc COVID-19 trong hơn 3 tháng trở lại đây. Trong khi đó, Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews thông báo đẩy mạnh việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội do số ca nhiễm mới tại đây chỉ ở mức dưới 20 ca/ngày và bang này đang thực hiện vượt kế hoạch đề ra khi đạt được tiến triển trong phòng ngừa dịch bệnh nhanh hơn kỳ vọng. Theo đó, một số quy định hạn chế, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm sẽ được bãi bỏ ngay lập tức. Một số biện pháp hạn chế khác nhiều khả năng cũng sẽ sớm được nới lỏng khi tình hình dịch bệnh lắng dịu.
Hàn Quốc: Ca nhiễm xuống dưới 100/ngày
Hàn Quốc ghi nhận ngày thứ 2 liên tiếp số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở mức dưới 100 ca trong bối cảnh Seoul tăng cường phòng chống dịch lây lan trước dịp Tết Trung Thu (Chuseok) sắp tới. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết với 95 ca nhiễm mới, trong đó có 73 ca lây nhiễm trong cộng đồng, tổng số ca mắc tại nước này tăng lên 23.611 ca.
Hàn Quốc đã chứng kiến số ca nhiễm mới một lần nữa vượt 100 ca/ngày từ ngày 23-25/9. Số ca mắc mới chỉ quay trở lại mốc 2 con số vào ngày 26/9 khi giới chức y tế tập trung hạn chế các ca lây nhiễm lẻ tẻ và các ca bệnh không thể truy dấu tại khu vực Seoul. Thách thức lớn nhất đặt ra hiện nay là việc ngăn chặn nguy cơ bùng phát các ca mắc COVID-19 trong dịp Tết Trung Thu (từ ngày 30-9 - 2/10 tới) - thời điểm người dân trên toàn Hàn Quốc thường đi lại nhiều và sum họp bên gia đình.
Indonesia: Số ca tử vong thực tế có thể cao gấp 3 lần báo cáo
Tờ Straits Times dẫn lời ông Dicky Budiman, nhà dịch tễ học tại Đại học Griffith tại Australia, cho biết Indonesia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao hơn bất cứ quốc gia ASEAN nào khác và xếp thứ ba về số ca tử vong tại châu Á. Tuy nhiên theo ông Budiman, con số tử vong thực tế có thể còn cao gấp 3 lần con số được báo cáo.
"Indonesia nên tham khảo định nghĩa của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) về trường hợp tử vong do COVID-19 và nên thực hiện nó ở nước này vì lợi ích của chính chúng ta", ông Dicky nói. Theo WHO, một ca tử vong do COVID-19 được định nghĩa là tử vong do một căn bệnh tương thích về mặt lâm sàng ở một trường hợp mắc COVID-19 đã được xác nhận hoặc có thể mắc, trừ khi có nguyên nhân tử vong khác rõ ràng không thể liên quan đến COVID-19 - ví dụ như tử vong do chấn thương.
Ông Dicky cho biết hơn 10.000 người Indonesia tử vong do COVID-19 là những người đã được xác nhận. "Trong khi đó, chúng tôi không đếm số trường hợp tử vong nghi ngờ do COVID-19. Nếu đếm tất cả, con số có thể nhiều gấp ba".
Indonesia đã báo cáo 3.874 ca nhiễm mới trong ngày 27/9, nâng tổng số ca bệnh lên 275.213 trường hợp, bao gồm 10.386 ca tử vong và 203.014 người đã hồi phục.
Trong khi đó, tổng số ca mắc COVID-19 tại Philippines đã tăng lên 304.226 ca sau khi quốc gia này ghi nhận thêm 2.995 ca mắc mới. Bộ Y tế Philippines cho biết số bệnh nhân hồi phục tăng thêm 19.630 người lên tổng cộng 252.510 người. Tuy nhiên, quốc gia này cũng đã ghi nhận thêm 60 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên là 5.344 ca.
Malaysia phát hiện thêm 3 ổ dịch mới, trong đó có 2 ổ dịch ở bang Sabah miền Đông và 1 ổ dịch ở thủ đô Kuala Lumpur. Tính đến ngày 27/9, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 10.919 ca mắc bệnh, trong đó có 134 ca tử vong, 9.835 bệnh nhân đã phục hồi (tỷ lệ phục hồi 90%).
Iran, điểm nóng dịch bệnh Trung Đông, ghi nhận thêm 3.362 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia này lên 446.448 ca. Trong đó, 25.589 ca đã tử vong, cao hơn 195 ca so với một ngày trước đó, và tổng cộng 374.170 người đã hồi phục. Hiện 26 trên tổng số 31 tỉnh của Iran trong tình trạng nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Iran ghi nhận các ca bệnh đầu tiên hồi tháng 2 vừa qua.
Châu Âu: Nga ghi nhận ca nhiễm mới cao nhất trong hơn 3 tháng
Tại châu Âu, Nga ghi nhận thêm 7.867 ca mắc mới trong ngày qua, mức cao nhất tính từ ngày 20/6, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên là 1.151.438 ca. Riêng thủ đô Moskva phát hiện 2.016 ca bệnh mới trong ngày qua, đánh dấu lần đầu tiên kể từ ngày 2/6 khu vực này ghi nhận số ca mắc mới vượt ngưỡng 2.000 ca/ngày. Tính đến ngày 27/9, Nga ghi nhận tổng cộng 20.324 ca tử vong, thêm 99 ca so với một ngày trước đó.
Hà Lan: Ca nhiễm mới cao kỷ lục
Hà Lan cũng ghi nhận ngày có số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay với 2.995 ca. Tính từ giữa tháng 9 tới nay, hầu như ngày nào số ca mắc mới tại Hà Lan cũng tiến đến một mốc cao mới. Ngày có số ca cao kỷ lục được ghi nhận lần gần nhất là 26/9 với 2.777 ca. Tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này đã vượt ngưỡng 100.000 từ đầu tuần trước. Tính đến ngày 27/9, Hà Lan ghi nhận tổng cộng 6.374 ca tử vong vì dịch bệnh.
Séc: Làn sóng thứ hai khắc nghiệt hơn
CH Séc, một trong những quốc gia châu Âu chứng kiến làn sóng dịch bệnh thứ 2 khắc nghiệt hơn nhiều so với đợt đầu tiên, cũng ghi nhận 1.985 ca mắc mới và 9 ca tử vong. Số ca mắc mới giảm gần 1/3 so với số liệu ghi nhận một ngày trước đó nhưng số lượng xét nghiệm được thực hiện trong cuối tuần cũng giảm so với ngày trong tuần. Tổng cộng quốc gia này ghi nhận 63.294 ca mắc và 591 ca tử vong.
Mỹ: Gần 1/10 dân số có thể đã mắc COVID-19
Ở Mỹ, kết quả một nghiên cứu mới trên hàng chục nghìn mẫu máu cho thấy gần 1/10 người dân nước này có thể đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Cụ thể, các nhà khoa học tại Đại học Y khoa Stanford đã xét nghiệm huyết tương của hơn 28.500 bệnh nhân tại các trung tâm lọc máu thận vào tháng 7, thời kỳ đỉnh điểm thứ hai của đại dịch COVID-19 ở Mỹ. Nghiên cứu cho thấy khoảng 9,3% các mẫu có bằng chứng về sự lây nhiễm của virus. Phát hiện trên cho thấy rằng một tỷ lệ rất lớn người Mỹ vẫn còn có thể lây nhiễm virus này, đồng thời khả năng có hàng triệu ca nhiễm mà không được phát hiện. Ngay cả khi năng lực xét nghiệm được nâng cao, hàng chục triệu người Mỹ vẫn có khả năng mắc COVID-19 mà không biết.
Nghiên cứu trên cũng cảnh báo rằng đại đa số người Mỹ dễ bị nhiễm virus khi các bang bắt đầu mở cửa trở lại trường học, các sự kiện thể thao và tụ tập trong nhà khi thời tiết chuyển lạnh. Các chuyên gia dự đoán một làn sóng bùng phát mới, dẫn đầu là các ca bệnh ở các bang Trung Tây và các bang miền núi phía Tây, nơi thời tiết thay đổi sớm hơn trong năm. Hiện tại, các bang như Wisconsin và Minnesota đang cho thấy sự gia tăng đáng báo động về số ca nhiễm COVID-19.
Đến 6h sáng 28/9 (theo giờ VN), nước Mỹ ghi nhận tổng cộng 7.319.449 ca COVID-19, tăng 31.888 ca trong 24 giờ qua, bao gồm 209.446 ca tử vong.
Cũng tại châu Mỹ, Mexico ghi nhận 5.573 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên 726.431 ca. Tổng số ca tử vong cũng tăng thêm 399 ca lên 76.243 ca