Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến hết ngày 27/9, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 663.861 ca mắc COVID-19 trong đó có 16.214 ca tử vong và 530.230 bệnh nhân đã bình phục.
Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm mới và tử vong, và các nhà dịch tễ học cho rằng con số tử vong thực tế do có thể cao gấp 3 lần báo cáo chính thức.
Philippines hiện có tổng số ca mắc bệnh cao nhất trong số các nước thành viên hiệp hội, với gần 3.000 ca nhiễm mới trong ngày 27/9.
Trong khi đó, tình hình tại Myanmar vẫn đáng lo ngại với 743 ca nhiễm mới và số ca nhiễm bệnh đã vượt nhanh qua mốc 10.000 người.
Indonesia: Con số tử vong có thể cao gấp 3 lần báo cáo chính thức
Tờ Straits Times dẫn lời ông Dicky Budiman, nhà dịch tễ học tại Đại học Griffith tại Australia, cho biết Indonesia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao hơn bất cứ quốc gia ASEAN nào khác và xếp thứ ba về số ca tử vong tại châu Á. Tuy nhiên theo ông Budiman, con số tử vong thực tế có thể còn cao gấp 3 lần con số được báo cáo.
"Indonesia nên tham khảo định nghĩa của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) về trường hợp tử vong do COVID-19 và nên thực hiện nó ở nước này vì lợi ích của chính chúng ta", ông Dicky nói.
Theo WHO, một ca tử vong do COVID-19 được định nghĩa là tử vong do một căn bệnh tương thích về mặt lâm sàng ở một trường hợp mắc COVID-19 đã được xác nhận hoặc có thể mắc, trừ khi có nguyên nhân tử vong khác rõ ràng không thể liên quan đến COVID-19 - ví dụ như tử vong do chấn thương.
Một trường hợp tử vong do COVID-19 có thể không được quy cho một bệnh khác, chẳng hạn như ung thư, và nên được tính độc lập với các tình trạng bệnh nền, vốn bị nghi ngờ gây ra sự trầm trọng hơn của bệnh COVID-19.
Ông Dicky cho biết hơn 10.000 người Indonesia tử vong do COVID-19 là những người đã được xác nhận. "Trong khi đó, chúng tôi không đếm số trường hợp tử vong nghi ngờ do COVID-19. Nếu đếm tất cả, con số có thể nhiều gấp ba".
Indonesia đã báo cáo 3.874 ca nhiễm mới trong ngày 27/9, nâng tổng số ca bệnh lên 275.213 trường hợp, bao gồm 10.386 ca tử vong và 203.014 người đã hồi phục.
Malaysia kêu gọi mở cửa biên giới với Singapore để cứu việc làm
Thủ hiến bang Johor, Malaysia, ông Menteri Besar Hasni Mohammad đã lên tiếng kêu gọi mở cửa lại biên giới với Singapore nếu không 100.000 người Malaysia có thể mất việc làm. Kể từ khi đường biên giới giữa hai nước bị đóng cửa hồi tháng 3, hoạt động kinh doanh tại bang Johor bị tổn thất nặng nề, với doanh thu sụt giảm tới 70%.
Ông Hasni cho rằng tỉ lệ thất nghiệp hiện nay tại Johor ở mức cao kỷ lục 18%, với 35.000 người đang thất nghiệp. Có từ 5-10% số doanh nghiệp trong khu vực thành phố đã phải đóng cửa do các vấn đề dòng tiền kể từ khi đóng cửa biên giới. Quan chức này cho hay ông đã gặp gỡ Thủ tướng Muhyiddin Yassin để tìm biện pháp kiểm soát chặt dịch COVID-19 trong lúc dần mở lại biên giới.
Thủ hiến bang Johor chỉ ra rằng Singapore cũng đang trải qua sự suy thoái kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay trong 55 năm. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Môi trường và Sức khỏe Nhà nước Malaysia, R. Vidyananthan cũng cảm thấy đã đến lúc biên giới trên đất liền Malaysia-Singapore phải mở lại theo từng giai đoạn: "Chúng tôi cảm thấy rằng không thể áp dụng SOP [quy trình hành động chuẩn] bao trùm ở đây; Johor và Singapore nên tuân theo một tiêu chí khác".
Ngày 27/9, Maylaysia phát hiện thêm 3 ổ dịch mới, trong đó có 2 ổ dịch ở bang Sabah miền Đông và 1 ổ dịch ở thủ đô Kuala Lumpur. Tính đến hết ngày 27/9, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 10.919 ca mắc bệnh, trong đó có 134 ca tử vong, 9.835 bệnh nhân đã phục hồi (tỷ lệ phục hồi 90%).
Philippines: Ông Duterte chuẩn bị công bố quy định cách ly mới
Tổng thống Philippines, Duterte Rodrigo dự kiến trong tuần này sẽ công bố các phân loại kiểm dịch mới tại Vùng thủ đô Manila và các khu vực khác khi chính phủ tiếp tục mở cửa lại nền kinh tế bất chấp sự lây lan mạnh của COVID-19.
Lực lượng đặc nhiệm liên ngành về Quản lý các bệnh truyền nhiễm mới (IATF) dự kiến sẽ họp vào ngày 28/9 để đưa ra khuyến nghị cuối cùng về các kịch bản ngăn chặn dịch đề xuất lên tổng thống. Các phân loại hiện có, vốn có hiệu lực vào ngày 1/9 năm ngoái, sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 9 này.
Trong khi đó, tổng số ca mắc COVID-19 tại Philippines đã tăng lên 304.226 ca sau khi quốc gia này ghi nhận thêm 2.995 ca mắc mới. Bộ Y tế Philippines cho biết số bệnh nhân hồi phục tăng thêm 19.630 người lên tổng cộng 252.510 người. Tuy nhiên, quốc gia này cũng đã ghi nhận thêm 60 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên là 5.344 ca.
Tổng số ca mắc COVID-19 tại Philippines đã tăng lên 304.226 ca sau khi quốc gia này ghi nhận thêm 2.995 ca mắc mới. Bộ Y tế Philippines cho biết số bệnh nhân hồi phục tăng thêm 19.630 người lên tổng cộng 252.510 người. Tuy nhiên, quốc gia này cũng đã ghi nhận thêm 60 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên là 5.344 ca.
Myanmar: Vượt qua ngưỡng 10.000 ca bệnh
Trong ngày 28/9, Myanmar ghi nhận thêm 743 ca COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 10.734 trường hợp, và 28 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 226 trường hợp.