Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 14/9 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 29.155.041 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 927.709 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 21.004.616 người, 7.222.533 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 60.870 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (93.215 ca), Mỹ (29.921 ca) và Brazil (14.597 ca); Ấn Độ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.140 ca), tiếp theo là Brazil (351 ca) và Mỹ (346 ca).
Mỹ dẫn đầu với trên 6,7 triệu ca bệnh
Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số ca COVID-19, hiện đã lên tới 6.706.522, bao gồm 198.474 ca tử vong. Tuy nhiên con số lây nhiễm và tử vong mới tại nước này đang trên đà giảm.
Ấn Độ: Một ngày trên 93.000 ca nhiễm mới
Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới lên tới 93.215 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 4.845.003 người. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 1.140 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 lên 79.754 trường hợp.
Trong khi số ca lây nhiễm tại Ấn Độ tăng nhanh hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, số bệnh nhân hồi phục cũng tăng mạnh. Tỉ lệ hồi phục tại nước này đang là 77,77%, với gần 70.000 ca hồi ph ục mỗi ngày kể từ đầu tháng 9 đến nay.
Quốc hội Ấn Độ dự kiến sẽ làm việc trở lại kể từ ngày hôm nay 14/9, tuân thủ nghiêm ngặt giãn cách xã hội. Cơ quan này đã hoãn nhóm họp từ tháng 3 do lệnh phong toả toàn quốc. Nền kinh tế Ấn Độ đã sụt giảm gần 24% trong quý 2 do ảnh hưởng của đại dịch.
Đông Nam Á: Philippines và Indonesia thêm hàng nghìn ca mỗi ngày
Tại châu Á, Philippines và Indonesia tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Theo số liệu của Bộ Y tế Philippines công bố ngày 13/9, trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 3.372 ca mắc COVID-19 và 79 ca tử vong. Như vậy, Philippines hiện có 261.216 ca bệnh, cao nhất ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có 4.371 ca tử vong.
Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia báo cáo thêm 3.636 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 218.382 ca. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp số ca mắc COVID-19 trong ngày ở nước này ở mức trên 3.000 ca. Số ca tử vong cũng tăng 73 ca lên thành 8.723 ca, cao nhất Đông Nam Á.
Từ ngày 14/9, thủ đô Jakarta của Indonesia sẽ tái áp đặt các hạn chế trên diện rộng nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Toàn bộ cư dân ở thủ đô Jakarta có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được cách ly trong các cơ sở chính thức và không được phép cách ly tại nhà. Cảnh sát trưởng Jakarta cũng cho biết, lực lượng này sẽ được triển khai nhằm đảm bảo người dân tuân thủ các quy định mới nhất. Các quy định mới còn bao gồm yêu cầu các công ty không thuộc lĩnh vực thiết yếu phải cho phép nhân viên làm ở nhà hoặc không được có trên 1/4 lực lượng lao động làm việc tại văn phòng.
Trung Quốc: Ca nhiễm mới đều là nhập cảnh
Trong khi đó, Trung Quốc đại lục ghi nhận 10 ca mắc COVID-19 trong ngày 12/9 nhưng đều là các ca nhập cảnh. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), trong 10 ca này có 3 ca ở thành phố Thượng Hải (Shanghai), 2 ca ở Chiết Giang (Zhejiang), trong khi thành phố Thiên Tân (Tianjin), các tỉnh Hà Nam (Henan), Quảng Đông (Guangdong), Quảng Tây (Guangxi) và Thiểm Tây (Shaanxi) mỗi nơi ghi nhận 1 ca. Cũng theo NHC, trong ngày 12/9 Trung Quốc không ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19 và tính đến hết ngày 12/9, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 85.184 ca bệnh khiến 4.634 người tử vong. Đã có 80.399 người khỏi bệnh và 151 bệnh nhân vẫn đang được điều trị.
Hàn Quốc: Tình hình dịch tạm lắng
Tại Hàn Quốc, tình hình dịch COVID-19 đang có dấu hiệu tạm lắng khi nước này tiếp tục ghi nhận dưới 200 ca mắc mới mỗi ngày. Ngày 13/9, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo nước này ghi nhận 121 ca mắc mới, trong đó có 99 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 22.176 ca. Đây là ngày thứ 11 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới ở mức dưới 200 ca/ngày và là lần đầu tiên trong 1 tháng qua có số ca lây nhiễm trong cộng đồng dưới 100 ca/ngày.
Chính phủ Hàn Quốc ngày 13/9 đã quyết định nới lỏng quy định giãn cách xã hội chống dịch COVID-19 ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận trong hai tuần tới. Theo đó, từ ngày 14/9 tới, khu vực này sẽ được giãn cách xã hội ở cấp độ 2 trong hệ thống 3 cấp. Người dân được phép duy trì hầu hết các thói quen hằng ngày của mình, song các cuộc tụ tập ngoài trời với hơn 100 người tham gia sẽ bị cấm. Các sự kiện thể thao được phép tổ chức không có khán giả trong khi các cuộc họp trong nhà từ 50 người trở lên bị cấm.
Israel: Một bộ trưởng từ chức để phản đối lệnh phong tỏa toàn diện
Bộ trưởng Nhà ở Israel Yaakov Litzman ngày 13/9 đã thông báo từ chức để phản đối các biện pháp phong tỏa đất nước mà chính phủ dự kiến sắp áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Ông Yaakov Litzman - trước đây từng giữ chức Bộ trưởng Y tế, cho rằng các biện pháp phong tỏa sẽ cấm người dân tới các đền thờ Do Thái trong các lễ hội Rosh Hashanah và Yom Kippur bắt đầu từ ngày 18/9 tới. Theo ông, đây là điều bất công và không đếm xỉa tới hàng trăm nghìn người Israel và những người theo đạo Do Thái chính thống.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định từ chức của ông Litzman, tuy nhiên ông Netanyahu vẫn khẳng định sẽ thực hiện các biện pháp phong tỏa mới.
Israel hiện là nước đứng thứ 2 trên thế giới, sau Bahrain, về tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 tính theo dân số. Cho đến nay, Israel đã phát hiện 153.759 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.108 ca tử vong, trong tổng dân số 9 triệu người. Bộ Y tế Israel vừa thông báo nước này quyết định áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện trên cả nước bắt đầu từ tuần tới sau khi số ca mắc COVID-19 tăng mạnh. Đây sẽ là giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch gồm 3 giai đoạn nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan tại Israel. Giai đoạn 2 và 3 sẽ được triển khai khi số ca mắc bệnh giảm.
Syria: Trên 3 triệu học sinh bắt đầu năm học mới
Trên 3 triệu học sinh Syria đã bắt đầu năm học mới vào ngày 13/9 tại các khu vực do chính phủ kiểm soát, đánh dấu ngày đi học đầu tiên áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn đại dịch lây lan.
Syria hiện ghi nhận 3.506 ca COVID-19 và 152 ca tử vong tại các khu vực do chính phủ kiểm soát. Tuy nhiên con số thực tế được cho là cao hơn nhiều khi số lượng xét nghiệm được tiến hành còn rất thấp và nhiều người dân ở các vùng nông thôn không ý thức được họ có thể đang nhiễm virus.
Chi phí xét nghiệm tại các bệnh viện tư nhân lên tới khoảng 60 USD, quá cao so với hầu hết người Syria, nơi thu nhập trung bình chưa tới 100 USD/tháng. Hiện tại chính phủ chỉ tiến hành khoảng 300 xét nghiệm miễn phí mỗi ngày cho những người có triệu chứng.
Châu Âu: Séc liên tiếp ghi nhận ca nhiễm mới kỷ lục
Tại châu Âu, ngày 13/9 là ngày thứ 3 liên tiếp CH Séc ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ ở mức cao nhất kể từ khi bùng dịch. Theo đó, với 1.541 ca mắc mới, tổng số ca bệnh ở CH Séc đã tăng lên 35.401 ca, trong đó có 453 ca tử vong. Hiện 60% số bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục. Đây cũng là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới ở CH Séc ở mức trên 1.000 ca sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại hồi tháng 8. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu, trong 14 ngày qua, CH Séc ghi nhận 94 ca mắc trong số 100.000 dân, mức mà trước đây chỉ xảy ra tại Tây Ban Nha và Pháp.
Áo chứng kiến làn sóng thứ hai
Trong khi đó, Áo cũng đang bắt đầu chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ hai khi số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng gần bằng các quốc gia châu Âu khác. Trong hai ngày 11-12/9, Áo phát hiện thêm 869 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 50% ghi nhận ở thủ đô Vienna. Như vậy, nước này hiện có hơn 33.000 ca bệnh và 750 ca tử vong.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz ngày 13/9 cảnh báo nước này có thể sẽ sớm ghi nhận 1.000 ca mắc mới mỗi ngày, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch và hạn chế tiếp xúc xã hội. Theo Thủ tướng Kurz, chính phủ nước này sẽ gia hạn lệnh bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng và áp đặt thêm các hạn chế đối với việc tổ chức các sự kiện từ ngày 14/9. Theo đó, đeo khẩu trang sẽ là quy định bắt buộc tại tất cả các cửa hàng, siêu thị và trên phương tiện giao thông công cộng.
Anh: 3 ngày liên tiếp ca nhiễm mới vọt lên trên 3.000 người
Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch tại châu Âu, Anh đã ghi nhận trên 3.000 ca nhiễm mới trong ngày thứ ba liên tiếp vào 13/9. Bộ Y tế và dịch vụ xã hội Anh báo cáo có thêm 3.330 ca nhiễm mới trong ngày, nâng tổng số ca bệnh lên 368.504, trong đó có 41.628 ca tử vong. Số ca tử vong mới hiện ở mức thấp nhưng các chuyên gia y tế lo ngại con số này sẽ tăng lên.
Australia bắt giữ người biểu tình vi phạm phòng dịch
Ngày 13/9, cảnh sát bang Victoria của Australia đã bắt giữ 74 người và xử phạt 176 người khác do vi phạm các quy định về phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối biện pháp phong tỏa ở thành phố Melbourne bước sang ngày thứ hai.
Các hình ảnh trên truyền hình cho thấy những người biểu tình đã tuần hành qua khu chợ Queen Victoria, biểu tượng của Melbourne, trước khi nổ ra đụng độ với cảnh sát. Theo cảnh sát Victoria, tham gia biểu tình có khoảng 200-250 người. Trước đó, cảnh sát cũng đã bắt giữ 14 người biểu tình quá khích trong các cuộc biểu tình rải rác ngày 12/9.
Các cuộc biểu tình nói trên xảy ra trong bối cảnh bang Victoria dự kiến từ ngày 14/9 nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa do số ca mắc COVID-19 mỗi ngày có xu hướng giảm. Ngày 13/9, bang này ghi nhận 41 ca mắc mới và 7 ca tử vong do dịch COVID-19, giảm mạnh so với mức đỉnh điểm hơn 700 ca/ngày hồi đầu tháng 8 vừa qua. Số ca mắc COVID-19 ở bang Victoria chiếm khoảng 75% tổng số hơn 26.600 ca bệnh trên toàn Australia, trong khi số ca tử vong chiếm tới hơn 90% trong số 810 ca tử vong trên cả nước. Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt phòng chống COVID-19 ở thành phố Melbourne, thủ phủ bang Victoria, đang được áp đặt trong 6 tuần qua.