Theo trang thống kê worldometer.info, trong ngày 13/9, các nước ASEAN ghi nhận 7.313 ca mắc COVID-19 tại 7 quốc gia và 152 ca tử vong tại hai quốc gia là Indonesia và Philippines.
Đây cũng là hai nước ghi nhận số ca nhiễm mới liên tục cao nhất khu vực và đều ở trên mức 3.300 ca. Trong khi đó, Myanmar cũng là một "điểm nóng" tiếp theo với trên 200 ca mắc mới trong ngày. Tổng ca nhiễm tại nước này cũng đã lên tới gần 2.800 ca.
Indonesia: Thủ đô Jakarta không cho cách ly tại nhà
Toàn bộ cư dân ở thủ đô Jakarta có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được cách ly trong các cơ sở chính thức và không được phép cách ly tại nhà. Tờ Straits Times dẫn thông báo của Thị trưởng Jakarta Anies Basewedan cho biết quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày hôm nay, 14/9.
Tại cuộc họp báo ngày 13/9, ông Baswedan cho biết, thành phố quyết định ngừng cách ly tại nhà nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Cảnh sát trưởng Jakarta cũng cho biết, lực lượng này sẽ được triển khai nhằm đảm bảo người dân tuân thủ các quy định mới nhất. Các quy định mới còn bao gồm yêu cầu các công ty không thuộc lĩnh vực thiết yếu phải cho phép nhân viên làm ở nhà hoặc không được có trên 1/4 lực lượng lao động làm việc tại văn phòng.
Là nơi sinh sống của trên 10 triệu người, thành phố Jakarta đã liên tục phải trì hoãn kế hoạch nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội sau khi dần dần cho phép mở cửa lại các trung tâm thương mại, các văn phòng làm việc, với một số hạn chế, kể từ tháng 6.
Hiện tại Jakarta vẫn là tâm dịch tại Indonesia. Ngày 13/9, Bộ Y tế nước này báo cáo thêm 3.636 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 218.382. Số ca tử vong cũng tăng 73 ca lên thành 8.723 ca, cao nhất Đông Nam Á.
Các biện pháp siết chặt hơn tại Jakarta được cho là sẽ làm tổn thương hơn nền kinh tế nước này, vốn đã lần đầu tiên sụt giảm trong quý thứ hai liên tiếp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
GDP của Indonesia đã sụt giảm 5,32% trong quý 2. Đồng rupiah mất giá gần 7% trong năm nay. Jakarta đóng góp gần 20% cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia. Tới ngày 13/9, thành phố này ghi nhận 54.200 ca COVID-19, tăng gần gấp đôi trong một tháng qua.
Philippines nới giãn cách xã hội
Theo tờ Philstar, Bộ Giao thông Philippines ngày 13/9 thông báo thay đổi quy định về giãn cách xã hội trên các phương tiện giao thông công cộng, theo đó khoảng cách tối thiểu sẽ rút từ 1 mét xuống còn 75 cm kể từ ngày 14/9.
Bộ trên cho biết quyết định này được đưa ra trong nỗ lực giúp mở cửa lại và hồi phục nền kinh tế bởi các phương tiện công cộng dự kiến sẽ vận chuyển được nhiều hành khách hơn với việc thực thi giao thức mới.
Bộ Giao thông Philippines vẫn yêu cầu hành khách bắt buộc đeo khẩu trang và tấm che mặt, thực hiện nghiêm túc "không nói chuyện và gọi điện thoại" trên các phương tiện giao thông công cộng.
Theo số liệu của Bộ Y tế Philippines công bố ngày 13/9, trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 3.372 ca mắc COVID-19 và 79 ca tử vong. Như vậy, Philippines hiện có 261.216 ca bệnh, cao nhất ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có 4.371 ca tử vong.
Myanmar: Ca nhiễm mới lại vượt qua ngưỡng 200
Đường cong dịch bệnh của Myanmar sau một thời gian dài đi ngang đã đi lên rất mạnh kể từ đầu tháng 9 này. Ngày 13/9, Myanmar ghi nhận 201 ca nhiễm mới nhưng không có ca tử vong. Con số bệnh nhân COVID-19 tại nước này đã tăng lên 2.796 ca, trong đó có 16 người đã tử vong và 676 bệnh nhân đã hồi phục.
Singapore: Vẫn còn ca lây nhiễm cộng đồng
Ngày 13/9, Singapore ghi nhận 49 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 lên 57.406, trong đó có 27 ca tử vong. Trong số các ca nhiễm mới có một trường hợp lây nhiễm cộng đồng, ngoài ra có 8 ca nhập cảnh được cách ly ngay khi đến Singapore.
Cùng ngày, Cơ quan Kiểm soát và nhập cư Singapore cho biết đã phát trên 3.500 thiết bị theo dõi cho những người đang cách ly tại nhà. Tất cả những người đến Singapore kể từ ngày 10/8 đều được yêu cầu đeo vòng tay điện tử để theo dõi phòng dịch.