Trong khi truyền thông quốc tế tập trung mô tả đối thoại Mỹ-Trung lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden dưới góc độ khó khăn, bộc lộ căng thẳng khoét sâu giữa hai bên, cộng đồng mạng tại Trung Quốc lại bàn tán nhiều đến những diễn biến nhỏ lẻ xảy ra bên ngoài hành lang cuộc gặp.
Một đoạn video 12 giây chiếu cảnh ông Dương Khiết Trì nói rằng đã dùng mỳ tôm cho bữa trưa sau phiên đàm phán ở Alaska đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi tại Trung Quốc, thu hút 270 triệu lượt người xem tính đến tối ngày 21/3.
Đoạn video mô tả trao đổi qua lại giữa ông Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị khi cả hai bước vào phòng hội đàm. Ông Nghị đặt câu hỏi: “ngài đã dùng bữa trưa chưa?, và nhận được câu trả lời “có, tôi dùng mỳ tôm”.
Nội dung “bữa trưa mỳ tôm” này được thảo luận trên mạng Weibo dưới nhiều luồng, với các dòng hashtags như “Ông Dương Khiết Trì dùng mỳ tôm cho bữa trưa” hay “Loại mỳ tôm được ông Dương Khiết Trì dùng làm bữa trưa” - dòng hashtags do chính tài khoản Weibo của tờ Nhân dân Nhật báo khởi xướng.
Trước đó, nhiều tổ hợp truyền thông tại đại lục cũng đăng tải thông tin về việc phía Mỹ đã không bố trí bữa tối chính thức cho các nhà ngoại giao Trung Quốc tại vòng đối thoại ở Alaska do đại dịch COVID-19, còn bữa trưa của đoàn Trung Quốc chỉ đơn giản là mỳ tôm.
Đa phần cộng đồng mạng tại Trung Quốc cho rằng cách đối đãi ngoại giao của phía Mỹ trong vụ này là “không thỏa đáng”. Một tài khoản Weibo viết: “Hãy đừng để ý tới đồ ăn, phía Mỹ hoàn toàn thiếu nghi lễ ngoại giao”. Một blogger viết rằng hành xử của phía Mỹ là “đặc biệt xúc phạm”, không xứng với một nước siêu cường như Mỹ. Nhiều tài khoản Weibo khác đề cập tới thuật ngữ “ngoại giao mỳ tôm”, cho rằng “sự thoái trào của Mỹ bắt đầu bằng một tô mỳ tôm”.
Bên cạnh coi “bữa trưa mỳ tôm” là biểu hiện cho lối hành xử không hiếu khách của Mỹ, một bộ phận cộng đồng mạng tại Trung Quốc cũng cho rằng việc làm của ông Dương Khiết Trì là “thực tế” và bảo đảm an toàn. "Ăn trưa theo cách đó cũng tốt. Ít nhất không ai có thể đầu độc ông ấy”, một tài khoản Weibo bình luận.
Trên mạng xã hội Twitter, Donald Clarke - giáo sư luật tại Đại học George Washington (Mỹ) nhìn nhận cái gọi là “vụ việc mỳ tôm” (‘noodle-gate’) thực chất chẳng có gì đáng nói. Bởi theo một nguồn tin đáng tin cậy mà ông Clarke tiếp cận được, phía Trung Quốc đã đồng ý về việc không tổ chức bữa ăn chung cùng phái đoàn Mỹ vì lý do COVID-19.
“Vì thế đã không có buổi tiệc lớn. Nếu ai đó muốn gọi mỳ tôm thay cho bữa ăn thịnh soạn từ nhà bếp khách sạn, họ hoàn toàn có thể làm vậy. Nhưng đó là lựa chọn của họ, không ai buộc họ phải làm như vậy”, Giáo sư Clarke bày tỏ.
Cuộc gặp cấp cao theo thể thức 2+2 giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra tại thành phố Anchorage, bang Alaska Mỹ. Tham dự cuộc gặp về phía Mỹ có Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan. Đại diện phái đoàn Trung Quốc là Ủy viên Bộ chính trị Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị. Cuộc gặp diễn ra trong không khí căng thẳng, không thu được kết quả đáng kể nào, không ra được tuyên bố chung sau khi kết thúc đàm phán.