Cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung kết thúc trong căng thẳng
Từ ngày 18-19/3, cuộc gặp cấp cao theo thể thức 2+2 giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra tại thành phố Anchorage, bang Alaska Mỹ. Tham dự cuộc gặp về phía Mỹ có Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan. Đại diện phái đoàn Trung Quốc là Ủy viên Bộ chính trị Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị.
Đối lập với thời tiết lạnh giá tại Anchorage, với nền nhiệt dao động -10 độ C, bầu không khí tại bàn đàm phán trở nên “nóng bỏng” ngay từ đầu, với việc hai bên công khai chỉ trích lẫn nhau ngay trước ống kính truyền hình và giới phóng viên tác nghiệp tại sự kiện, bỏ qua những quy tắc ngoại giao thông thường.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken mở đầu bằng màn cáo buộc Trung Quốc vi phạm các nguyên tắc quốc tế, tấn công mạng nhằm vào Mỹ cũng như những hành động của Bắc Kinh với các đồng minh của Mỹ. Ông tuyên bố ý định của Mỹ tại cuộc gặp lần này là nói rõ, nói thẳng quan ngại và ưu tiên của Mỹ trước Trung Quốc. Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan khẳng định Washington không tìm kiếm xung đột với Bắc Kinh, nhưng sẽ sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa hai cường quốc.
Về phần mình, ông Dương Khiết Trì đáp lời bằng bài chỉ trích Mỹ kéo dài, mất đến 17 phút phiên dịch. Ông cáo buộc Mỹ đang sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để gây sức ép với các nước khác, lạm dụng an ninh quốc gia để đe dọa tương lai thương mại quốc tế, đồng thời khẳng định không chấp nhận việc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Kết thúc vòng cuộc gặp vòng 1, dư luận vẫn còn chút hy vọng về kết quả tích cực hơn trong cuộc gặp tiếp theo, khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết buổi khai mạc chỉ là “bữa điểm tâm”, “phía trước còn bữa chính và đây mới là phần thiết yếu nhất”. Nhưng diễn biến tại hai vòng hội đàm tiếp theo trong ngày 19/3 cũng không có nhiều khác biệt. Hai bên kết thúc đàm phán không có tuyên bố chung, rất nhiều điểm mâu thuẫn chưa có hướng giải quyết tháo gỡ.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, ông Sullivan cho biết phía Mỹ đã tiên lượng trước về các cuộc đàm phán trực tiếp, khó khăn về nhiều nội dung và thực tế diễn ra đúng như vậy. Về phần mình, ông Dương Khiết Trì chia sẻ rằng thảo luận diễn ra một cách thẳng thắn, mang tính xây dựng và có lợi, dù đương nhiên vẫn còn tồn tại những bất đồng. Ông không quên nhấn mạnh quan điểm Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và phát triển quốc gia.
Kết quả nghèo nàn là điều được dự báo trước. Bởi trên thực tế cả Mỹ và Trung Quốc đều không đặt kỳ thành quả rõ nét, tức thời ngay tại cuộc gặp ở Alaska. Hai thậm chí có quan điểm khác nhau ngay ở cách định danh cuộc gặp. Trung Quốc gọi đây là "cuộc đối thoại chiến lược" đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng. Nhưng Ngoại trưởng Blinken bác bỏ điều này, xem đây là phiên họp một lần, không phải khởi đầu của hàng loạt cuộc họp tương tự về sau.
Vaccine AstraZeneca được kết luận là “an toàn và hiệu quả”
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca, giải tỏa những nghi ngờ trước đó cho rằng vaccine AstraZeneca có thể là tác nhân gây ra tình trạng huyết khối (cục máu đông) ở một số trường hợp được trích ngừa.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19/3, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh lợi ích của việc tiêm vaccine AstraZeneca là điều “không phải bàn cãi, bởi vaccine này có khả năng ngăn ngừa căn bệnh chết người COVID-19. Theo ông, dữ liệu hiện không cho thấy bất kỳ sự gia tăng nào về tình trạng đông máu sau khi tiêm vaccine AstraZeneca. Người đứng đầu WHO cũng kêu gọi các quốc gia tiếp tục sử dụng loại vaccine này.
Trước đó, Cơ quan quản lý Quản lý Dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) cũng tổ chức phiên họp khẩn về chủ đề vaccine AstraZeneca. Phát biểu sau cuộc thảo luận, Giám đốc điều hành EMA, bà Emer Cooke, đã khẳng định vaccine AstraZeneca là chế phẩm "an toàn, hiệu quả", không gây ra hiện tượng đông máu sau khi tiêm chủng.
Cụ thể, EMA đã điều tra từng trường hợp, tham vấn các nhà khoa học tại 27 quốc gia thành viên EU. Trong tổng số 5 triệu người châu Âu đã được tiêm chủng vaccine của AstraZeneca, có 30 người xuất hiện triệu chứng máu vón cục. EMA khẳng định, đối với cả 30 trường hợp này, cục máu đông hình thành không liên quan đến việc vừa tiêm chủng vaccine trước đó.
Những kết luận trên đã giải tỏa nghi ngại về những tác dụng phụ của chế phẩm này, tác động trực tiếp đến điều hành chính sách tại nhiều nước châu Âu, nhất là số trước đó đã quyết định đã tạm ngừng việc sử dụng vaccine AstraZeneca sau khi xuất hiện một số trường hợp có huyết khối sau tiêm.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 19/3 đã được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca và đảm bảo với người dân rằng mũi tiêm này là an toàn. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho biết bà đã sẵn sàng tiêm vaccine AstraZeneca nếu được đề nghị. Cùng ngày, Thủ tướng Italy Mario Draghi lên tiếng trấn an người dân, khẳng định bản thân ông sẽ tiêm vaccine AstraZeneca.
Nhiều nước châu Âu như Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, CH Cyprus, Latvia và Litva, đã nối lại việc đưa vaccine AstraZeneca vào tiêm chủng sau khi có đánh giá khoa học từ phía EMA.
Vaccine AstraZeneca được phát triển với sự hợp tác của Đại học Oxford (Anh), được EMA phép sử dụng ngày 29/1. Đến nay, hơn 10 triệu người đã tiêm vaccine của AstraZeneca và thống kê cho thấy tỷ lệ xảy ra hiện tượng máu vón cục là rất thấp.