Nhiều chuyên gia y tế đánh giá cao việc hình thành đường dây nóng này bởi tại Trung Quốc sức khỏe tinh thần vẫn là vấn đề ít được bàn đến.
Một nghiên cứu do Hiệp hội Tâm lý Trung Quốc công bố trong tháng 2 cho thấy có 18.000 trường hợp từng kiểm tra biểu hiện rối loạn lo âu bởi COVID-19, kết quả có tới 42,6% mắc chứng bệnh này. Trong 5.000 người khám về rối loạn tâm lý sau sang chấn (PTSD), có 21,5% có triệu chứng rõ ràng liên quan đến căn bệnh.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) xác nhận hơn 300 đường dây nóng được vận hành tại nước này để đưa ra lời khuyên tâm lý liên quan đến COVID-19. Khoa tâm lý tại các trường đại học và tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ những đường dây nóng này.
Nhà tâm lý trị liệu Xu Wang tại Đại học Tsinghua cộng tác với đường dây nóng tại Bắc Kinh chia sẻ rằng khó khăn là phân biệt người gọi đến thực sự có dấu hiệu nhiễm COVID-19 hay họ đang bị hoảng loạn và lầm tưởng. Ông Xu Wang nói: “Có nhiều người dân gọi đến nói rằng họ ăn không ngon và khó ngủ do vậy lo sợ nhiễm COVID-19”.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh trong tháng 2 đăng trên tạp chí y học uy tín The Lancet: “Chúng tôi tin rằng việc bổ sung chăm sóc sức khỏe tinh thần vào hệ thống y tế khẩn cấp quốc gia sẽ giúp sức cho Trung Quốc và thế giới trong chiến dịch kiềm chế và đẩy lùi COVID-19”.
Chính phủ Trung Quốc khẳng định những tình nguyện viên làm việc cho đường dây nóng đều có nền tảng chuyên môn và được các chuyên gia có kinh nghiệm giám sát.
Đường dây nóng tư vấn sức khỏe tâm lý là “phản ứng mức độ đầu tiên” của Chính phủ Trung Quốc xử lý ảnh hưởng về tâm lý. Điều này từng được áp dụng lần đầu sau trận động đất năm 2008 tại Tứ Xuyên khiến 87.150 thiệt mạng và mất tích. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tại Trung Quốc, tỷ lệ bác sĩ tâm lý là 2,2/100.000 người dân.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết tính đến ngày 14/2, trên toàn thế giới có hơn 1.383 người tử vong và trên 64.400 trường hợp nhiễm COVID-19.