Trong báo cáo điều tra dài 100 trang về vụ sát hại nhà báo Khashoggi, bà Callamard nhấn mạnh, cái chết của nhà báo này là "một tội ác quốc tế". Báo cáo kết luận, "các đánh giá về các đoạn băng ghi âm của giới chức tình báo tại Thổ Nhĩ Kỳ và tại các nước khác cho thấy ông Khashoggi có thể đã bị tiêm thuốc giảm đau và sau đó bị ngạt thở do một túi nhựa".
Bà Callamard kêu gọi Tổng Thư ký LHQ mở một cuộc điều tra quốc tế một số quan chức Saudi Arabia, trong đó có Thái tử Mohammed bin Salman, do có bằng chứng cho thấy vị Thái tử này và các quan chức cấp cao có khả năng liên quan tới cái chết của nhà báo Khashoggi.
Hiện Saudi Arabia chưa đưa ra bình luận nào về báo cáo trên. Tuy nhiên, nước này luôn bác bỏ mọi cáo buộc rằng Thái tử bin Salman có liên quan tới vụ sát hại nhà báo Khashoggi.
Nhà báo, nhà bình luận chính trị Khashoggi mất tích từ ngày 2/10/2018 sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 20/10/2018, Saudi Arabia thừa nhận ông Khashoggi đã chết sau một cuộc ẩu đả trong lãnh sự quán nước này tại Istanbul, song không cho biết thi thể nhà báo trên đang ở đâu. Sau khi công bố kết quả điều tra sơ bộ, cơ quan công tố Saudi Arabia thông báo nhà chức trách nước này đã bắt giữ 21 người liên quan vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không đồng tình với kết luận sơ bộ trên của Saudi Arabia và khẳng định vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã được lên kế hoạch từ trước. Ankara cũng cho rằng Thái tử Mohammed bin Salman phải chịu trách nhiệm trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi.
Ngày 3/1 vừa qua, Saudi Arabia đã mở phiên tòa đầu tiên xét xử 11 nghi can trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Trong phiên tòa diễn ra tại thủ đô Riyadh, cơ quan công tố đề nghị án tử hình đối với 5 trong số 11 bị cáo.