Colombia và Venezuela khởi động chương trình vaccine ngừa COVID-19

Ngày 17/2, Colombia đã khởi động chương trình tiêm chủng đại trà ngừa bệnh COVID-19 cho đối tượng ưu tiên là các nhân viên y tế làm việc tại các khu điều trị tích cực (ICU) trong bệnh viện.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bogota, Colombia ngày 5/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Ivan Duque cho biết: "Hôm nay, một chương mới đã được mở ra trong cuộc chiến chống đại dịch này, bắt đầu bằng chiến dịch tiêm phòng miễn phí, hiệu quả, an toàn trên cả nước." Vaccine được sử dụng là của Pfizer/BioNTech. 

Giai đoạn đầu của Kế hoạch Tiêm chủng quốc gia Colombia sẽ ưu tiên các nhân viên y tế và những người trên 80 tuổi. Dự kiến, cuối tuần này, lô vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc) đến Colombia. 

* Tại Venezuela, Tổng thống Nicola Maduro thông báo nước này sẽ bắt đầu tiêm phòng cho các nhân viên y tế và công chức nhà nước từ ngày 18/2 bằng vaccine Sputinik V của Nga. Theo ông, quân nhân các lực lượng vũ trang và các cơ quan "phải làm việc trên đường phố" cũng nằm trong đối tượng được ưu tiên tiêm phòng. Dự kiến, chiến dịch tiêm phòng đại trà cho người dân sẽ bắt đầu từ tháng 4.

Lô 100.000 liều vaccine đầu tiên đã tới thủ đô Caracas và hiện chưa có lịch trình cho các đợt giao vaccine tiếp theo.

Venezuela đã ký thỏa thuận mua 10 triệu liều vaccine Sputnik V và sẽ được nhận từ 1,4 - 2,4 triệu liều vaccine của AstraZeneca/Oxford thông qua cơ chế phân phối vaccine công bằng COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn dắt. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cho biết Venezuela phải đặt cọc 18 triệu USD trước khi có thể được nhận những liều vaccine đầu tiên.

* Tại Brazil, diễn biến tình hình dịch bệnh trong làn sóng thứ hai được đánh giá là hết sức nghiêm trọng trong bối cảnh chính phủ vẫn chưa tìm được đủ nguồn cung vaccine cũng như sự xuất hiện của một chủng COVID-19 mới ở bang Amazonas được cho là có khả năng lây lan nhanh gấp 3 lần và đã xuất hiện ở một số vùng khác nhau của quốc gia Nam Mỹ này. Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, trước sự khan hiếm của vaccine, chính quyền thủ phủ các bang lớn của Brazil, trong đó có Rio de Janeiro, Salvador và Porto Alegre, đã buộc phải tạm dừng chương trình tiêm chủng đại trà.

Trước sức ép của dư luận, cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Eduardo Pazuello đã thông báo cho thống đốc các bang về lịch trình phân phối khoảng 230,7 triệu liều vaccine trong thời gian từ nay tới tháng 6.

Mặc dù vậy, đến cuối tháng này, Brazil có thể mới chỉ nhận về 2 triệu liều vaccine của AstraZeneca/Oxford được nhập từ Ấn Độ và 9,3 triệu liều vaccine của công ty Sinovac. Đây là hai loại vaccine đã được Cơ quan Giám sát dịch tễ quốc gia (ANVISA) cấp phép sử dụng khẩn cấp. Ngoài ra, bộ trên dự kiến trong tuần này sẽ ký hợp đồng mua vaccine Sputnik V của Nga và Covaxin của Ấn Độ.

Bích Liên - Hoài Nam (TTXVN)
Nam Phi đề nghị Viện Serum ở Ấn Độ nhận lại 1 triệu liều vaccine COVID-19
Nam Phi đề nghị Viện Serum ở Ấn Độ nhận lại 1 triệu liều vaccine COVID-19

Tờ Economic Times đưa tin ngày 16/2, Nam Phi đã đề nghị Viện Serum ở Ấn Độ nhận lại 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, một tuần sau khi quốc gia này thông báo ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN