Mỹ đầu tư 200 triệu USD để phát hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Ngày 17/2, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ đầu tư gần 200 triệu USD nhằm tăng cường giải trình tự gene, xác định các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở California, Mỹ, ngày 11/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo một thông báo, khoản đầu tư trên sẽ giúp Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ tăng cường năng lực giải trình tự gene của các mẫu bệnh phẩm lên gấp 3 lần từ khoảng 7.000 lên xấp xỉ 25.000 mẫu/tuần. Hiện Mỹ đang đi sau hàng chục nước khác trong nỗ lực phát hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, đe dọa đến hiệu quả của công tác phòng chống đại dịch COVID-19.

Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky cho biết tính đến ngày 16/2, Mỹ đã phát hiện 1.277 ca nhiễm biến thể lần đầu được phát hiện tại Anh. Trong đó, đã có ca đầu tiên nhiễm đột biến thường xuất hiện trong các biến thể có nguồn gốc ở Nam Phi, Brazil và được cho là khiến virus có khả năng chống lại các kháng thể do cơ thể người tạo ra.

Theo một nghiên cứu được CDC Mỹ công bố cùng ngày 17/2, mô hình hóa dữ liệu cho thấy biến thể tại Anh có nguy cơ phổ biến tại nước này vào tháng 3 tới. Ngoài ra, Mỹ đã ghi nhận 19 ca nhiễm biến thể được phát hiện lần đầu tại Nam Phi và 3 ca nhiễm biến thể có nguồn gốc từ Brazil.

Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng sẽ dành 650 triệu USD để tăng cường xét nghiệm tại các trường học và những khu vực khó khăn như nơi ở của người vô gia cư, đồng thời chi 815 triệu USD để tăng cường năng lực sản xuất các thiết bị xét nghiệm. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất trên thế giới do dịch COVID-19 với hơn 28 triệu ca mắc và hơn 500.000 ca tử vong. 

Trong khi đó, thủ đô Sarajevo của Bosnia-Herzegovina đã triển khai trạm xét nghiệm lưu động đầu tiên sàng lọc COVID-19 đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ. Theo giới chức y tế sở tại, các trạm xét nghiệm lưu động có nhiệm vụ là hỗ trợ để những người khuyết tật cũng được dễ dàng xét nghiệm. Trạm xét nghiệm lưu động này không mang tính thương mại và chỉ những bệnh nhân có giấy giới thiệu điện tử của bác sỹ gia đình mới có thể được xét nghiệm. Trong vòng 6-8 giờ sau khi lấy mẫu, kết quả xét nghiệm sẽ được thông báo tới bệnh nhân thông qua một ứng dụng di động. Tất cả những người dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 sẽ lập tức được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.

Theo Bộ Các vấn đề dân sự, quốc gia Nam Âu này đến nay đã ghi nhận 126.781 ca mắc và 4.949 ca tử vong do COVID-19.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Hải Dương áp dụng nhiều biện pháp khống chế 5 ổ dịch COVID-19 lớn 
Hải Dương áp dụng nhiều biện pháp khống chế 5 ổ dịch COVID-19 lớn 

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương, đến 6 giờ ngày 18/2, Hải Dương có 5 ổ dịch lớn tại thành phố Chí Linh, huyện Cẩm Giàng, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách và thành phố Hải Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN