Có bất thường khi Triều Tiên im lặng về cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ?

Đã gần hai tuần kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến thế giới ngạc nhiên với tuyên bố sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Song tới nay, phía Triều Tiên vẫn giữ im lặng.

Lời mời được chuyển tới ông Trump ngày 8/3 (giờ Mỹ) thông qua phái đoàn Hàn Quốc. Từ đó tới nay, phía Triều Tiên vẫn im lặng khó hiểu về cuộc gặp này trong khi phía Mỹ đã rục rịch có động thái chuẩn bị.

Theo CNN, đài truyền hình trung ương nhà nước Triều Tiên mở đầu bản tin đầu tiên sau khi ông Trump thông báo đồng ý gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un bằng một tin tức về cuộc du lịch bằng thuyền trên sông ở Bình Nhưỡng. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin tức đầu tiên là về tình hình sản xuất công nghiệp ở thủ đô.

Triều Tiên vẫn chưa có phản hồi gì sau khi ông Trump chấp nhận gặp ông Kim Jong-un. Ảnh: Reuters

Mãi đến ngày 15/3, Triều Tiên mới có động thái ngoại giao đáng chú ý đầu tiên. Thụy Điển vừa thông báo Ngoại trưởng Triều Tiên đang trên đường tới nước này để dự các cuộc họp hai ngày. Tại đó, ông Ri Yong-ho sẽ gặp Ngoại trưởng Thụy Điển và thảo luận về tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên. Thụy Điển đại diện cho lợi ích của Mỹ ở Triều Tiên vì Washington và Bình Nhưỡng không có quan hệ ngoại giao.

Về hình thức, việc thiếu phản ứng từ phía Triều Tiên có vẻ khá kỳ lạ. Tuy nhiên, xét những gì đã xảy ra trước đây, động thái chậm phản ứng của Triều Tiên có thể không đến nỗi quá bất thường.

Khi Triều Tiên quyết định mời Tổng thống Bill Clinton tới Bình Nhưỡng năm 2000, mãi vài tháng sau lời mời chính thức mới được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright gặp Ngoại trưởng Triều Tiên bên lề một hội nghị châu Á vào tháng 7. Hai bên đã thảo luận việc liệu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il khi đó có nên cử một đại diện tới Washington D.C để gửi lời mời chính thức tới ông Clinton.
 
Sau này, bà Albright viết trong cuốn sách “Madame Secretary” (Bà Bộ trưởng): “Một lần nữa, Triều Tiên lại cố ý phản ứng chậm. Không quen bàn bạc với một nước dân chủ, họ có thói quen không làm gì cả trong hàng tháng trời, sau đó ra quyết định và muốn có phản hồi ngay lập tức”.

Trong thực tế, bà Albright cho biết mãi đến tháng 10 năm đó, tức ngay trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11, quan chức quân đội quyền lực thứ hai Triều Tiên mới tới Washington và trình một bức thư mời lên ông Clinton.

Ông Mike Chinoy, tác giả một cuốn sách về khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, cho rằng có thể các đặc phái viên Hàn Quốc không truyền đạt chính xác những gì ông Kim Jong-un muốn nói với ông Trump.

Tuy nhiên, các nguồn ngoại giao cho biết họ tin tưởng vào lời nói và hành động của phía Hàn Quốc và hầu hết các bên đều đang nhanh chóng chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh cho dù chi tiết về thời gian, địa điểm, thành phần tham gia vẫn chưa được xác định.

Trở lại sau chuyến thăm bốn ngày tới Trung Quốc và Nga, đặc phái viên Hàn Quốc Chung Eui-yong cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ủng hộ hoàn toàn nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong xây dựng đối thoại với Triều Tiên. Ông Chung tuyên bố rằng Chủ tịch Tập Cận Bình vui mừng với diễn biến này.

Phía Nhật Bản thận trọng hơn. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết việc Triều Tiên thực hiện những hành động cụ thể để hiện thực hóa lời nói liên quan tới phi hạt nhân hóa là điều cực kỳ quan trọng.


Trong khi đó, vài ngày trước khi Ngoại trưởng Rex Tillerson bị ông Trump sa thải, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết chính quyền Mỹ hoàn toàn hy vọng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo sẽ diễn ra. Bà nói trong họp báo ngày 12/3: “Lời đề nghị được đưa ra và chúng tôi đã chấp nhận. Triều Tiên đã có vài cam kết và nếu họ giữ đúng cam kết, cuộc họp sẽ diễn ra như kế hoạch”.

Trong khi thế giới chờ ông Kim Jong-un phản hồi, thì ông Trump liên tục có các động thái và lời nói liên quan. Trong bài phát biểu gây quỹ ngày 14/3, Tổng thống Trump dường như có ý đe dọa rút binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc nếu không đạt được thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc theo ý muốn.

Ông Trump còn đang cải tổ mạnh nội các – động thái được cho là chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên sắp tới.

Về phần mình, ngày 15/3, lần đầu tiên KCNA nhắc tới từ Mỹ là khi cáo buộc nước này đe dọa nghiêm trọng quyền tồn tại của người Triều Tiên thông qua cấm vận, phong tỏa để vi phạm chủ quyền của Triều Tiên. KCNA tuyên bố: “Nước lạm dụng nhân quyền tồi tệ nhất thế giới không ai khác chính là Mỹ”.

Ngoài ra, không có một lời nào về cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Lịch sử đàm phán Mỹ-Triều (Kỳ 1): Cơ hội bị bỏ lỡ
Lịch sử đàm phán Mỹ-Triều (Kỳ 1): Cơ hội bị bỏ lỡ

Nếu cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra vào tháng 5 tới theo đúng kế hoạch, đây có thể là dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước. Nhìn lại lịch sử hàng chục năm qua, Mỹ và Triều Tiên từng đàm phán nhiều lần nhưng đều đổ bể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN