CIS: Biểu tình tại Kazakhstan được chuẩn bị trước và có hậu thuẫn từ bên ngoài

Theo Ủy viên điều hành Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) Sergei Lebedev, tình hình bất ổn ở Kazakhstan đã được lên kế hoạch trước và những kẻ tổ chức được hậu thuẫn từ nước ngoài.

Chú thích ảnh
Lực lượng quân sự tuần tra tại Nur-Sultan, Kazakhstan, ngày 6/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Đài Sputnik dẫn lời ông Lebedev cho biết: “Rõ ràng những phần tử phá hoại đã chuẩn bị trước cho các vụ biểu tình hàng loạt nhằm gây bất ổn và chúng có sự hỗ trợ của nước ngoài”.

Theo ông, các quyết định của giới chức Kazakhstan để khôi phục trật tự và ổn định cho quốc gia này này đều đúng đắn và kịp thời. 

Ông Lebedev cho biết Ban điều hành CIS tự tin những nỗ lực của người dân Kazakhstan cùng bè bạn từ các quốc gia CIS sẽ sớm dẫn đến kết quả khôi phục lại hòa bình cho đất nước Trung Á này. 

Ủy viên CIS bày tỏ hy vọng thành phố Almaty lớn nhất của Kazakhstan sẽ trở lại trạng thái bình thường trong vài tuần tới, để đủ điều kiện tổ chức các sự kiện của CIS tại đây. Năm nay, Kazakhstan nắm quyền điều hành tổ chức CIS, bao gồm các thành viên như Armenia, Azerbaijan, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Nga, Tajikistan và Uzbekistan.

Can thiệp từ bên ngoài

Chú thích ảnh
Nhiều ô tô bị phá hủy sau bạo loạn tại thành phố Almaty, Kazakhstan, ngày 6/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Những gợi ý về khả năng cuộc bạo loạn ở Kazakhstan nhận hỗ trợ của nước ngoài đã được nêu ra từ giai đoạn đầu của vụ bất ổn. Hôm 5/1, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia rằng những kẻ khủng bố mang động cơ tài chính đã lên kế hoạch cẩn thận đằng sau các cuộc biểu tình. Ông cam kết sẽ mạnh tay trừng trị bất kỳ kẻ chủ mưu nào. 

Tổng thống Tokayev đã yêu cầu tổ chức chiến dịch chống khủng bố để tiêu diệt mối đe dọa cho an ninh quốc gia, cũng như bảo vệ mạng sống và tài sản của người dân Kazakhstan. Ông khẳng định: "Các chiến dịch chống khủng bố đang được triển khai ở quy mô lớn bởi cảnh sát. Lực lượng vệ binh quốc gia và vũ trang sẽ khôi phục lại trật tự theo đúng những gì Hiến pháp quy định".

Ngày 7/1, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho hay Moskva nhìn nhận tình hình căng thẳng ở Kazakhstan là những diễn biến bạo lực bị kích động từ bên ngoài, nhằm mục đích phá vỡ an ninh và tính toàn vẹn của một quốc gia thân thiện. 

Sứ mệnh của CSTO

Chú thích ảnh
Binh sĩ Nga thuộc Lực lượng giữ gìn hòa bình của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) đáp máy bay quân sự để tới Kazakhstan, tại sân bay Chkalovsky ngày 6/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Biểu tình đã nổ ra tại Kazakhstan vào ngày 2/1 sau khi giá nhiên liệu tăng cao. Các cuộc tuần hành ban đầu diễn ra ở khu vực Tây Nam của nước này, song nhanh chóng lan rộng đến nhiều thành phố khác, thậm chí chuyển thành bạo động. Bất ổn an ninh đã buộc Tổng thống Tokayev phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại nhiều tỉnh, thành lớn của đất nước, trong đó có tỉnh Mangistau, thành phố Almaty và thủ đô Nur-Sultan.

Theo Tổng thống Tokayev, trong số những tên khủng bố phát động ít nhất 6 làn sóng tấn công tại Almalty những ngày qua có một nhóm phần tử không nói tiếng địa phương. Ông cho rằng chúng đã được đào tạo bài bản và tổ chức tốt, cũng như có thể đã nhận mệnh lệnh từ một trung tâm đặc biệt.
Nhà lãnh đạo Kazakhstan cáo buộc những kẻ này tấn công lực lượng an ninh của nước này, phóng hỏa các trụ sở hành chính, cướp bóc các cơ sở tư nhân, sát hại dân thường và hãm hiếp phụ nữ.

Cảnh tượng Phủ tổng thống Kazakhstan ở thành phố Altamy bị người biểu tình phóng hỏa (nguồn: RT):

Ngày 6/1, theo đề nghị trợ giúp của Tổng thống Tokayev, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã quyết định cử lính gìn giữ hòa hình đến Kazakstan. Khối này gồm các thành viên thuộc Liên Xô cũ như Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.

Điều lệ của CSTO cho phép giải quyết tình trạng bất ổn nội bộ, nhưng phải được thực hiện trên cơ sở quyết định của một quốc gia có chủ quyền. Nhiệm vụ chính của lực lượng CSTO là duy trì an ninh cho các cơ sở hạ tầng thiết yếu của quân đội và chính phủ nước sở tại.

Đức Trí/Báo Tin tức
Biến thể Omicron bộc lộ khác biệt giữa Đông và Tây trong cách sống chung với COVID-19
Biến thể Omicron bộc lộ khác biệt giữa Đông và Tây trong cách sống chung với COVID-19

Các chuyên gia nhận định biến thể Omicron đang bộ lộ sự khác biệt giữa chính phủ các nước phương Tây và phương Đông trong lộ trình sống chung với COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN