Chuyên gia Thái Lan đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN 

Nhân dịp Việt Nam - nước Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020 - tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 theo hình thức trực tuyến, phóng viên TTXVN tại Thái Lan đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Balaz Szanto thuộc Bộ môn Quan hệ quốc tế, Đại học Webster Thailand về những kỳ vọng và vai trò của Việt Nam trong xây dựng một ASEAN đoàn kết, thống nhất, phục hồi bền vững thời kỳ hậu dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Chú thích ảnh
TS. Balaz Szanto thuộc Bộ môn Quan hệ quốc tế, Đại học Webster Thailand trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Hữu Kiên

Theo Tiến sĩ Balaz Szanto, ASEAN đã có kinh nghiệm lâu năm trong việc giải quyết nhiều vấn đề khác nhau của khu vực, đặc biệt là khi tình thế đòi hỏi nhiều sự phối hợp hành động hơn so với các nỗ lực riêng lẻ của từng quốc gia. Mặc dù ASEAN đã đạt được nhiều thành quả trong những năm qua, nhưng vẫn có nhiều vấn đề cần được đưa ra bàn luận tại Hội nghị Cấp cao lần này. Tại Hội nghị này, việc phối hợp hành động là cần thiết và vượt qua giới hạn của từng thành viên riêng lẻ. Ông bày tỏ kỳ vọng trong Hội nghị Cấp cao lần thứ 36, ASEAN sẽ tạo được nhiều tiến triển trong giải quyết các vấn đề quan trọng, xác định được tầm nhìn chung, đặc biệt là đối với các vấn đề chưa có giải pháp, cũng như các nỗ lực chung của ASEAN trong nhiều năm qua.

Về vai trò của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Tiến sĩ Balaz Szanto nhấn mạnh rằng Việt Nam là thành viên quan trọng, là quốc gia có vai trò chủ yếu trong ASEAN. Vai trò lãnh đạo ASEAN của Việt Nam sẽ có những ảnh hưởng riêng biệt đến các vấn đề quan trọng, trong đó có việc thúc đẩy giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên biển, cũng như các vấn đề khác trong chương trình nghị sự của ASEAN. Theo ông Szanto, với vai trò quan trọng của Việt Nam trong ASEAN, đây là cơ hội quan trọng để Hiệp hội này thúc đẩy các chủ đề về thách thức an ninh trong chương trình nghị sự của khối.

Liên quan cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của các nước ASEAN, Tiến sĩ Balaz Szanto cho rằng việc phối hợp chung là rất cần thiết do một quốc gia riêng lẻ không thể vượt qua cuộc khủng hoảng này, trong đó ASEAN là một tổ chức khu vực điều phối nỗ lực chung của khu vực Đông Nam Á, để triển khai các giải pháp không chỉ hiệu quả, mà còn mang lại lợi ích cho người dân khu vực và các quốc gia thành viên, đồng thời giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.

Tiến sĩ Balaz Szanto cho rằng một trong những thách thức lớn nhất đối với khu vực trong thời kỳ hậu COVID-19 là tìm ra nền tảng chung; từ đó, thuyết phục các quốc gia thành viên không tiến hành các hành động vụ lợi có thể gây thiệt hại đến các quốc gia khác trong quá trình phục hồi kinh tế. Ông nhấn mạnh ASEAN có vai trò quan trọng trong bối cảnh hậu COVID-19, không những trong việc điều phối các nỗ lực mà còn phải thuyết phục các nước thành viên cùng tham gia nỗ lực chung và đôi khi phải bỏ qua những lợi ích riêng lẻ để hướng tới mục đích phục hồi kinh tế chung của khu vực. Bên cạnh các thách thức, môi trường hậu COVID-19 cũng đem lại cho ASEAN cơ hội để tạo dựng một nét đặc trưng riêng của mình.

Ngọc Quang - Hữu Kiên (TTXVN)
Phiên đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN và AIPA
Phiên đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN và AIPA

Chiều 26/6, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 theo hình thức trực tuyến, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA-41) cùng các Nhà Lãnh đạo ASEAN, Lãnh đạo các Nghị viện thành viên AIPA và các Đối tác tham dự Phiên đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN và Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN