Chuyên gia: Sự hỗ trợ của G20 là tích cực nhưng không giải quyết được vấn đề nợ của các nước nghèo

Theo các chuyên gia châu Phi, động thái của các nước giàu trong việc giãn nợ cho các nước nghèo đang chịu tác động của cuộc khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là tích cực nhưng không phải là giải pháp cho vấn đề nợ. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Cotonou, Beni ngày 8/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thỏa thuận giãn nợ mà các nước giàu trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thông báo sẽ đóng băng trong một năm đối với việc thanh toán nợ của 76 nước nghèo, với 40 nước trong số này là ở châu Phi. 

Theo Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia, Mohammed Al-Jadaan, thỏa thuận giãn nợ sẽ giải phóng khoảng 20 tỷ USD có thể được sử dụng để ứng phó với đại dịch. 

Tuy nhiên, các nhà bình luận cho rằng thực tế là nợ vẫn phải thanh toán và việc đóng băng thanh toán chỉ áp dụng với nợ giữa các chính phủ, không áp dụng với nợ các ngân hàng tư. 

Tổng số nợ của châu Phi ở mức khoảng 365 tỷ USD, với khoảng 1/3 trong số này là nợ Trung Quốc. 

Theo các chuyên gia, các nền kinh tế yếu nhất thế giới có thể sử dụng số tiền mặt quý báu cho các nhu cầu khẩn thiết nhưng vẫn gặp khó khăn với số nợ lớn. 

Ông Hassane Boukar thuộc nhóm công dân Nigeria AEC cho rằng, sự hỗ trợ đó giúp các nước có thể sử dụng số tiền phải được dùng cho việc thanh toán nợ, nhưng sẽ có nhiều khoản chi sắp tới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, nhà kinh tế Jean Alabro của Ivory Coast (Bờ biển Ngà) cho rằng thỏa thuận trên sẽ giúp các nền kinh tế châu Phi không bị mất kiểm soát trong tương lai gần, nhưng nếu các giải pháp không được đưa ra, thảm họa vẫn ở phía trước. 

Các biện pháp phong tỏa, giới nghiêm và các hạn chế khác nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, cùng với sự giảm sút nhu cầu toàn cầu về khoáng sản và du lịch, sẽ gây tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế châu Phi. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định GDP của châu Phi sẽ giảm 1,6% trong năm 2020, mức giảm mạnh nhất trong lịch sử, trong khi Ngân hàng Thế giới cảnh báo khu vực này có thể rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong 25 năm.

Lê Minh (TTXVN)
G20 cam kết chi hơn 7.000 tỷ USD để đối phó dịch COVID-19
G20 cam kết chi hơn 7.000 tỷ USD để đối phó dịch COVID-19

Mạng tin Al Arabiya ngày 15/4 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed al-Jadaan cho biết Nhóm Các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí chi hơn 7.000 tỷ USD nhằm bảo vệ thị trường lao động, các doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đang phải đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN