Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, sau cuộc họp trực tuyến giữa các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 do Saudi Arabia chủ trì, Bộ trưởng al-Jadaan cho hay các bên khẳng định ủng hộ sáng kiến giãn nợ cho những nước nghèo nhất. Ngoài ra, G20 cam kết bảo vệ thị trường việc làm cho người lao động, duy trì ổn định hệ thống tài chính toàn cầu, đồng thời khẳng định quyết tâm vượt qua đại dịch COVID-19.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Al-Jadaan lạc quan rằng thế giới sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, nếu tiếp tục phối hợp các nỗ lực đối phó với dịch COVID-19, cũng như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác trong tương lai.
Trong lĩnh vực dầu mỏ, Bộ trưởng al-Jadaan cho biết nhóm G20 hoan nghênh thỏa thuận lịch sử giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày. Theo ông, tỷ trọng dầu mỏ trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nền kinh tế khu vực, trong đó có Saudi Arabia, sẽ giảm xuống trong thời gian tới, song điều quan trọng nhất là duy trì sự cân bằng trên thị trường năng lượng.
Cùng ngày, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass đã đánh giá cao thỏa thuận giãn nợ của G20, cho rằng đây là sáng kiến mạnh mẽ và nhanh chóng giúp đảm bảo cuộc sống và kế sinh nhai cho hàng triệu người dễ bị tổn thương nhất trên nhất thế giới.
Tuyên bố chung của IMF và WB nhấn mạnh hai tổ chức này sẽ nhanh chóng phản hồi lại đề nghị hỗ trợ của G20, đồng thời cam kết thực hiện mọi biện pháp có thể để giúp đỡ những nước nghèo.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đã coi thỏa thuận của G20 là hành động thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế. Ông nhận định thỏa thuận của G20 về giãn nợ cho 77 quốc gia nghèo nhất đã giúp các nước này có thêm cơ hội sử dụng ngân sách cho các hoạt động thiết yếu như chăm sóc sức khỏe cho người dân.