Nhận định trên được đưa ra sau khi có trường hợp lây nhiễm giữa những người không hề có tiếp xúc gần tại một khách sạn ở Hong Kong.
Theo Giáo sư Yuen Kwok-yung dẫn đầu nhóm nghiên cứu của Đại học Hong Kong (HKU) về dịch bệnh COVID-19, ông cho rằng biến thể Omicron có thể dễ lây hơn biến thể Delta dựa trên hai ca đầu tiên nhiễm biến thể này ở Hong Kong được ghi nhận tuần trước. Bệnh nhân là hành khách cách ly ở hai phòng gần nhau tại khách sạn Regal Airport. Họ chưa bao giờ mở cửa cùng một lúc, chưa bao giờ gặp nhau, không dùng chung vật dụng nào, nhưng họ cùng nhiễm Omicron. Giáo sư Yuen gọi đây là sự "lây nhiễm xa đáng ngạc nhiên".
Ông cho biết thêm: "Đây rõ ràng là một trường hợp lây qua không khí. Chúng tôi chỉ có chút lo ngại nguy cơ lây nhiễm biến thể này có thể cao hơn cả biến thể Delta". Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các phát hiện trên có thể không mang tính đại diện vì chỉ dựa trên hai ca nhiễm. Hơn một chục khách ở cùng tầng với hai ca này trong khách sạn đã được đưa đến một cơ sở cách ly của chính quyền nhưng cho đến nay không người nào có xét nghiệm dương tính.
Sau đó, Hong Kong đã ghi nhận ca thứ 4 nhiễm biến thể Omicron là một hành khách 38 tuổi trong chuyến bay xuất phát từ Qatar quá cảnh ở sân bay Hong Kong ngày 24/11 và được xác nhận nhiễm vào ngày 28/11. Người này đã ở trong khách sạn tại khu vực cách ly của sân bay quốc tế Hong Kong 4 ngày do trục trặc liên quan đến thị thực và có kết quả dương tính trong lần xét nghiệm trước khi rời Hong Kong.
Bệnh nhân chưa tiêm phòng và không có triệu chứng, được xét nghiệm kháng thể dương tính và có tải lượng virus thấp. Khoảng 20 nhân viên sân bay được xác định có tiếp xúc gần với bệnh nhân và đã được cách ly. Trung tâm Bảo vệ sức khỏe cho biết người đàn ông trên từ Papua New Guinea đến Nigeria ngày 15/11 và sau đó từ Qatar đến Hong Kong.
Trong khi đó, Tiến sĩ Kelvin To Kai-wang, Trưởng khoa vi sinh vật học của HKU, bày tỏ lo ngại biến thể Omicron có thể giảm 20-40% hiệu quả của vaccine dù vẫn cần thêm nghiên cứu để xác nhận. Tuy nhiên, Giáo sư Yuen khẳng định các vaccine hiện nay vẫn có tác dụng phòng ngừa biến thể này.
Tiến sĩ Kelvin To Kai-wang cho biết hai bệnh nhân nhiễm Omicron đầu tiên ở Hong Kong đã tiêm hai liều vaccine của Pfizer/BioNTech và có các triệu chứng rất nhẹ. Mức kháng thể của họ tăng ít nhất 10 lần trong 4-7 ngày sau khi nhập viện. Ông nhấn mạnh: "Thực tế này rất đáng mừng, nhất là về khả năng ghi nhớ của hệ miễn dịch".
Các chuyên gia của HKU kêu gọi mọi người không nên chờ đến thế hệ vaccine tiếp theo mới đi tiêm phòng, khẳng định các mũi tiêm vaccine hiện nay vẫn hữu ích.
Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện "Society of Hospital Pharmacists of Hong Kong", ông William Chui Chun-ming cũng nhấn mạnh hiện chưa có bằng chứng cho thấy các vaccine hiện nay không hiệu quả đối với biến thể Omicron. Ông cho biết ngoài việc tạo kháng thể giúp vô hiệu hóa virus, các vaccine cũng kích hoạt các tế bào T trong hệ miễn dịch để chống lại sự lây nhiễm.
Nhóm chuyên gia của HKU ngày 1/12 thông báo họ đã cô lập thành công biến thể Omicron và sẽ phối hợp với các công ty ở Trung Quốc Đại lục để phát triển một loại vaccine chống biến thể này.