Các nhà nghiên cứu virus Nam Phi hiện đi đầu trong công tác kiểm định, xét nghiệm trong môi trường phòng thí nghiệm. Cùng thời điểm, người đứng đầu hai hãng dược hàng đầu thế giới về vaccine công nghệ mRNA đưa ra những đánh giá khác nhau về kỳ vọng hiệu quả của vaccine trước biến thể mới.
Giám đốc điều hành Moderna, ông Stephane Bancel, cho rằng hiệu lực bảo vệ của vaccine giảm đi, trong khi ông Ugur Sahin, chuyên gia virus học kiêm giám đốc điều hành BioNTech – đơn vị phối hợp với Pfizer trong phát triển vaccine Pfizer, nhìn nhận người tiêm chủng đủ liều vẫn có được khả năng bảo vệ cao, tránh được tình trạng bệnh nặng khi nhiễm Omicron.
Hãng AstraZeneca cũng tuyên bố rằng vaccine có hiệu lực tốt trước các biến thể khác nhau và chưa có bằng chứng nào cho thấy vaccine suy giảm hiệu quả trước Omicron. Biến thể mới là vấn đề được dư luận quan tâm. Bình luận của người đứng đầu Moderna ngay lập tức đã kích hoạt làn sóng bán tháo cổ phiếu trên thị trường toàn cầu hôm 30/1.
Tại Nam Phi, công việc kiểm định, xét nghiệm sơ bộ trong phòng thí nghiệm được đặt dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Penny Moore, thuộc Viện Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nam Phi. “Nhiều biến thể chúng ta biết đúng là đáng ngại. Nhưng có biến thể có thể làm tăng khả năng kháng vaccine của virus”, ông Moore chia sẻ. Ông đồng thời cho biết công tác nghiên cứu sẽ cần thêm thời gian. Nhóm nghiên cứu bắt tay công tác kiểm định phòng thí nghiệm cuối tuần tuần trước, dự kiến sau hai tuần sẽ có kết quả, đồng nghĩa với việc sẽ phải chờ thêm 10 ngày nữa.
Giới nghiên cứu muốn tìm hiểu hiệu quả của vaccine trước biến thể Omicron trên cả hai khía cạnh: Ngăn chặn lây nhiễm và ngăn diễn biến bệnh nặng. Thông tin hoàn chỉnh chỉ có đượ từ các nghiên cứu trên cộng đồng dân cư. Nhưng kết quả nghiên cứu phòng thí nghiệm sẽ cung cấp cái nhìn ban đầu về vấn đề này.
“Điều quan trọng nhất trong thử nghiệm phòng thí nghiệm liên quan đến khả năng nuôi cấy virus và sử dụng virus để xem liệu có biện pháp ngăn chặn lây nhiễm ở tế bào hay không. Muốn vậy, cần cô lập virus và phải cần đến các cơ sở kiểm định tiêu chuẩn, như cơ sở của Viện Doherty – đơn vị đầu tiên nuôi cấy và chia sẻ virus có nguồn gốc khởi phát tại Vũ Hán hồi tháng 1 năm ngoái”, giáo sư Colin Pouton, chuyên gia nghiên cứu về công nghệ mRNA tại Đại học Monash, cho biết.
Theo ông Poulton, quá trình này có thể không mất quá nhiều thời gian một khi các nhà khoa học nuôi cấy được lượng virus dự trữ để thử nghiệm, kiểm định các mẫu huyết thanh khác nhau.
Giáo sư Miles Davenport đến từ Viện Kirby thuộc Đại học New South Wales là người chủ trì nhóm nghiên cứu hàng đầu thế giới về mũi tiêm tăng cường và suy giảm hiệu lực vaccine theo thời gian. Nghiên cứu của nhóm được sử dụng để dự báo tính hiệu quả của vaccine trước những biến thể khác.
Theo ông Davenport, từ kết quả giải trình từ gien của Omicron cũng như số lượng và địa điểm xuất hiện biến chủng, nhiều người cho rằng khả năng “thoát” ghi nhớ miễn dịch của Omicron ở mức tương đương với biến thể Beta. “Nói một cách tổng quan, kháng thể trung hòa ở người đã tiêm vaccine giảm độ nhạy với Delta khoảng 4 lần (so với chủng virus gốc), và khoảng 8 lần với biến thể Beta”, ông Davenport nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng mũi tiêm tăng cường (mũi thứ 3) với vaccine mRNA sẽ giúp tăng lượng kháng thể, tới ngưỡng đủ để trung hòa biến thể Beta. Nhận định này được đưa ra tại thời thời điểm dữ liệu thu thập được từ mẫu nước thải ở Pretoria (Nam Phi) cho thấy tải lượng virus trong nước thải đạt ngương tương đương với thời điểm dịch Delta đạt đỉnh, cho thấy mức lây nhiễm cũng là rất cao.