Theo đài Sputnik (Nga), mặc dù tốc độ lây truyền trung bình của virus Nipah dường như không quá cao, song Tiến sĩ Stephen Luby, Giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Stanford (Mỹ) cảnh báo rằng loại virus này có nguy cơ sẽ trở thành mối đe doạ toàn cầu trong tương lai. Ông cho biết rằng khi có những trường hợp siêu lây lan virus Nipah lây nhiễm cho nhiều người, tốc độ lây truyền trung bình của virus chỉ là “ít hơn một người trên một lần nhiễm”.
“Mặc dù vậy, mỗi lần một người bị nhiễm Nipah, virus này sẽ có cơ hội xâm nhập vào một môi trường mới, tìm cách thích nghi với cơ thể con người và lây lan. Điều này có thể châm ngòi cho sự xuất hiện của một chủng Nipah mới có khả năng lây nhiễm giữa người với người cao hơn và có thể gây ra đại dịch”, ông Luby cảnh báo.
Ông nhận định rằng “vì tỉ lệ tử vong của người nhiễm virus Nipah có thể lên đến 70%, nên nó có thể trở thành một trong những đại dịch tồi tệ nhất mà nhân loại từng phải đối mặt. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục “đầu tư vào các chiến lược để giảm nguy cơ bùng dịch mạnh mẽ và để phát triển các biện pháp đối phó với một loạt các mầm bệnh có nguy cơ cao”.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa phát triển được vaccine ngăn ngừa virus Nipah. Tuy nhiên, ông Luby cho biết có một số “ứng cử viên” vaccine “đầy tiềm năng đã chứng minh hiệu quả cao trên động vật”.
Trong khi đó, Tiến sĩ K. Puthiyaveettil Aravindan, cựu giáo sư bệnh học tại Trường Cao đẳng Y tế Kozhikode của Chính phủ Ấn Độ, cũng đã bày tỏ lo ngại về sự lây lan của virus Nipah trong tương lai. Ông cho rằng “Kerala có thể không phải là điểm nóng duy nhất”.
“Có khả năng hệ thống y tế ở các bang khác ở Ấn Độ chưa truy vết được virus Nipah”, ông Aravindan nói.
Chuyên gia này cũng cảnh báo nguy cơ Nipah có sự thay đổi về mặt di truyền, khiến nó trở nên dễ lây lan hơn ở con người và cho phép nó tạo ra vật chủ trong các loài dơi mới. Ông cũng cho rằng virus Nipah có thể trở thành “mối đe dọa toàn cầu mới như COVID-19” do nhiều yếu tố, bao gồm “thương mại quốc tế, du lịch toàn cầu và biến đổi khí hậu khiến dơi tìm kiếm môi trường sống mới”.
Virus Nipah đang gây xôn xao dự luận khi một cậu bé 12 tuổi sống tại quận Kozhikode của bang Kerala đã tử vong vào ngày 5/9, sau khi nhiễm loại virus này. Cậu bé đã được đưa đến một bệnh viện tư nhân sau khi sốt cao và có các triệu chứng của viêm não.
Sau cái chết của cậu bé, các cơ quan y tế công cộng đã vào cuộc, truy vết bạn bè, thành viên gia đình và nhân viên y tế. Họ đã xác định và cách ly 251 người, trong đó có 30 người thân trong gia đình. 11 mẫu từ những người có quan hệ gần gũi với cậu bé đã được gửi đi xét nghiệm và vào ngày 8/9 đều cho kết quả âm tính. Nhưng việc cậu bé này đã bị nhiễm virus Nipah bằng cách nào vẫn chưa rõ ràng.
Nipah là loại virus có ở loài dơi quả. Con người nhiễm virus này khi ăn phải quả dính nước bọt của con dơi mang virus. Tổ chức Y tế Thế giới coi virus Nipah là một trong những loại virus nguy hiểm nhất thế giới, vì không có thuốc chữa và vaccine.
Virus Nipah được phát hiện lần đầu tiên ở Malaysia vào năm 1990. Ấn Độ ghi nhận các ca nhiễm Nipah đầu tiên ở Siliguri, Tây Bengal vào năm 2001 và ít nhất 45 người tử vong vì virus này. Bang Kerala cũng ghi nhận trường hợp nhiễm virus Nipah vào năm 2018.
Các triệu chứng bao gồm sốt, ho, đau họng, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn và viêm não. Thời gian ủ bệnh của Nipah thông thường dao động từ 4 ngày đến 14 ngày, nhưng đến nay cũng đã ghi nhận trường hợp mà thời gian ủ bệnh dài nhất là 45 ngày.