Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trước các cuộc hội đàm về Syria tại Zurich ngày 20/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 24/2, trang báo mạng Lenta.ru của Nga cho biết thông tin trên. Tuy nhiên, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cũng nhấn mạnh rằng mục đích lâu dài của thỏa thuận trên chính là hướng tới một lệnh ngừng bắn trong cả nước.
Ông Peskov nói: "Để thảo luận việc thực hiện kế hoạch hay bất kỳ sáng kiến nào nhằm đem lại hòa bình cho Syria, đều cần phải có sự bàn thảo và nhất trí giữa tổng thống hai nước (Nga và Mỹ)- đây chính là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Hiện chúng tôi đang thiết kế các cuộc tiếp xúc cấp cao, tận dụng tối đa các ảnh hưởng của mình (của cả Nga và Mỹ), nhằm tác động tới các nhân vật, cũng như các phe phái, lực lượng liên quan trong cuộc xung đột ở Syria".
Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga cũng nhất trí với quan điểm của giới báo chí cho rằng, sự hợp tác giữa Moskva và Washington sẽ góp phần tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau. Ông Peskov nêu rõ: "Mặc dù có sự khác biệt nhất định, song Tuyên bố chung giữa Moskva và Washington cho thấy hai bên có thể đạt được những kết quả quan trọng, nhất là khi hai nước đã từng giải quyết được vấn đề vũ khí hóa học ở Syria".
Trước đó, tờ Wall Street Journal, dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ-tướng Joseph Dunford và Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan, tại các cuộc họp gần đây đều thừa nhận rằng họ không tin Nga có thể thực hiện các thỏa thuận với Mỹ về ngừng bắn ở Syria. Trong khi đó tờ tạp chí Mỹ cho biết Tổng thống Barack Obama cũng đã chuẩn bị "phương án dự phòng" trong trường hợp Tuyên bố Mỹ - Nga về Syria thất bại.
Ngày 22/2, tổng thống hai nước Nga và Mỹ đã nhất trí với một thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, và bắt đầu thực hiện từ 27/2. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng thỏa thuận là "một bước tiến thực sự để ngăn chặn đổ máu". Ông đồng thời nhấn mạnh rằng thỏa thuận ngừng bắn không áp dụng cho các tổ chức cực đoan bị cấm ở Nga như "Nhà nước Hồi giáo" (IS) và "Dzhebhat al-Nusra".
Báo chí quốc tế lúc này cũng đang tập trung phân tích mục đích thật sự của Nga khi ký kết thỏa thuận đình chiến ở Syria. Trước hết, cần phải nhấn mạnh đây không phải là một tuyên bố ngừng bắn. Bởi Tuyên bố chung này không chỉ không đòi hỏi kết thúc hoàn toàn các hoạt động quân sự mà đặc biệt nó lại ủy quyền cho các lực lượng vũ trang Nga và Syria chống lại các nhóm khủng bố thánh chiến theo phân loại của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.
Trên thực tế, kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích ở Syria cuối tháng 9/2015, Nga luôn nhấn mạnh mục tiêu không kích duy nhất của họ chỉ là những nhóm khủng bố thánh chiến và đây là những nhóm bị loại trừ trong danh sách đình chiến. Do đó, tuyên bố ngừng bắn này không ảnh hưởng hay đem lại hạn chế gì đến mục đích của Nga ở Syria. Và dường như thỏa thuận này lại mở đường để Nga tiếp tục không kích các nhóm phiến quân (mà Nga) coi là khủng bố, trong khi Mỹ sẽ không còn căn cứ nào để phản đối điều đó.
Đây là lần đầu Mỹ đồng ý một tuyên bố tạo thuận lợi cho tiến trình hòa bình ở Syria mà không đòi hỏi Tổng thống Assad từ chức lập tức. Điều này phản ánh một sự thay đổi trong chính sách của Mỹ. Đối với những người thực sự muốn hòa bình ở Syria, đây đã là một bước tiến, mặc dù bước tiến này quả thật rất ngắn.
Cuộc khủng hoảng Syria bắt đầu từ năm 2011, khi những người đối lập đòi hỏi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức, và nó đã phát triển thành một cuộc nội chiến toàn diện, đẫm máu. Ngày 30/9/2015, không quân và hải quân Nga chính thức tham chiến tại Syria, với tuyên bố đáp lại yêu cầu của tổng thống của một nhà nước có chủ quyền. Trước đó, liên minh của 65 quốc gia do Mỹ dẫn đầu, đã thực hiện các vụ đánh bom ở Iraq kể từ tháng 8/2014. Một tháng sau đó, liên minh này đã bắt đầu cuộc tấn công vào vị trí của những kẻ khủng bố ở Syria.