Theo đó, nhà lãnh đạo Syria có ý không chấp thuận đề xuất của Moskva về chấm dứt xung đột, bất chấp 17 thành viên thuộc Nhóm Hỗ trợ Syria đạt được thỏa thuận về mặt nguyên tắc ở Munich hồi tuần trước để lập lại hòa bình tại quốc gia Trung Đông này – mạng tin tình báo Debka (Israel) tiết lộ hôm 22/2.
Theo Debka, người thực hiện sứ mệnh giải cứu này là Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, người được cho là mang thông điệp đặc biệt của Tổng thống Nga tới giới lãnh đạo Iran, khi ông có chuyến thăm tới Tehran hôm 21/2. Chuyến thăm được thực hiện chỉ 3 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehqan tới Nga và diễn ra tại thời điểm xuất hiện rạn nứt trong quan hệ Moskva - Damascus mà hệ quả đi kèm là những tác động đến liên minh Nga - Syria - Iran trong chiến dịch can dự quân sự ở Syria.
Tổng thống Hassan Rouhani (phải) tiếp BTQP Nga Sergei Shoigu (trái) tại Tehran hôm 21/2. Ảnh: PressTV |
Về công khai, phát biểu tại Amman khi ở thăm Jordan hôm 21/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có ý đổ lỗi việc các bên chậm tiến đến thỏa thuận ngừng bắn là do phe đối lập, khi Ủy ban Đàm phán cấp cao đại diện cho phái này nhất quyết đưa điều kiện đòi Nga phải ngừng chiến dịch không kích, quân đội Syria ngừng việc bao vây, phong tỏa các thành phố… Tuy nhiên, trở ngại chính nằm ở Tổng thống Assad – Debka đưa tin.
Dẫn lời các nguồn tin, trang mạng này tiết lộ, khi phát hiện ra nhà lãnh đạo Syria từ chối đề xuất ngừng bắn sau khi có được sự ủng hộ bí mật của Iran, ông Putin đã quyết định cử ông Shoigu tới Iran, với một thông điệp cá nhân giành riêng cho Tổng thống Hassan Rouhani. Tại cuộc tiếp xúc, đại tướng người Nga khẳng định chiến dịch can dự của Moskva đã giúp thay đổi cục diện trên chiến trường Syria theo hướng có lợi cho Damascus, tạo ra ưu thế rất lớn để đi tới một giải pháp chính trị giúp chấm dứt xung đột mà ở đó ảnh hưởng của Nga và Iran tại khu vực được đẩy lên mức cao nhất.
Bộ trưởng Shoigu cũng nhấn mạnh, ở giai đoạn cuối của tiến trình đối thoại, chuyển tiếp chính trị, ông Assad cần phải thoái vị và đây là điều nằm trong thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo Putin và Obama. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Iran đã không thay đổi toàn bộ quan điểm, dựa trên những gì mà ông phát biểu tại cuộc họp báo sau đó: “Khủng hoảng Syria chỉ có thể được giải quyết thông qua đàm phán chính trị, tôn trọng quyền của người dân và chính phủ Syria – những nhân tố sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về tương lai đất nước”.
Theo Debka, phản ứng này là sự phủ nhận của Iran đối với một phần, chứ chưa hẳn toàn bộ kế hoạch mà Điện Kremlin đưa ra. Sứ mệnh của ông Shoigu vì thế chưa giúp hàn gắn các bất đồng giữa Nga, Iran và cá nhân ông Assad, ít nhất là trong thời điểm này. Moskva muốn tìm kiếm bước đi đưa tới mục đích cuối cùng trước hết là bằng việc giảm quy mô chiến dịch quân sự cùng lúc tái tập trung các nỗ lực cho thỏa thuận chính trị, ngoại giao. Thế nhưng lãnh đạo Syria và Iran thì lại muốn duy trì đòn đánh quân sự này.
Cụ thể hơn, Nga muốn chính quyền Tổng thống Assad nhượng bộ để mở đường cho lệnh ngừng bắn, chấp thuận một chính phủ chuyển tiếp lên nắm quyền ở Damascus có cả đại diện phe đối lập. Nhưng cả ông Assad và Tehran đều kịch liệt phản đối ý tưởng chuyển tiếp chính trị, chỉ chấp nhận khi quân nổi dậy bị đánh bại toàn bộ thông qua hành động quân sự không ngừng nghỉ, mở đầu là ở hướng Bắc, sau đó là hướng Nam. Syria và Iran nhận định, Nga sẽ không đột ngột dừng chiến dịch quân sự để buộc hai nước này phải chấp thuận các yêu cầu của Moskva.
Cuối cùng, mạng tin của Israel nhìn nhận, một khi Nga buộc phải xem Iran, Syria là những tác nhân cản trở cho tiến trình chính trị, ngoại giao thì cuộc xung đột tại Syria kéo dài trong 5 năm qua vẫn chưa thể có được lối thoát.