Chủ trại gà mất trắng 800.000 USD vì tin giả COVID-19

Cho đến nay, dịch COVID-19 chưa gây tử vong tại Ấn Độ nhưng rõ ràng đang làm điêu đứng ngành chăn nuôi gia cầm sau khi tin giả mạo khiến một chủ trang trại tiêu tan toàn bộ cơ nghiệp.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa - Reuters

Kênh truyền hình RT đưa tin ông Suresh Bhatlekar, chủ trại gà ở thị trấn Dahanu thuộc bang Maharashtra, là một trong số nhiều người nuôi gia cầm ở địa phương trở thành nạn nhân của nỗi hoảng sợ liên quan đến virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Những ngày qua, trên mạng xã hội Ấn Độ xuất hiện tin đồn cho rằng dịch COVID-19 có thể lây nhiễm qua thịt trắng của gia cầm. Ông Bhatlekar đã phải tiêu hủy toàn bộ số trứng và gà con mới nở trị giá gần 800.000 USD (khoảng 18 tỷ đồng) vì không thể bán ra thị trường hay tiếp tục chăn nuôi. 

Mặc dù hoàn toàn vô căn cứ, song thông tin giả mạo nói thế đã lan rộng “như cháy rừng” trên các ứng dụng tin nhắn như WhatsApp, khiến người dân loại bỏ thịt gà và trứng gà ra khỏi thực đơn hàng ngày. Giá gia cầm vì thế sụt giảm 80% tại khắp Ấn Độ - quốc gia sản xuất trứng lớn thứ ba và sản xuất thịt gà lớn thứ tư thế giới. 

Những nỗ lực cải chính của các chuyên gia trong ngành, cơ quan chức năng đối với công chúng đều thất bại. Một số chủ trang trại, vốn đang chật vật trả lương cho người làm thuê, đã buộc phải đưa ra những quyết định khó khăn. “Do thiệt hại quá lớn, tôi ngừng sản xuất còn các công nhân không có việc làm”, ông Bhatlekar trả lời báo Hindustan Times. 

Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn tin đồn trên lan rộng. Giới chức bang cho biết họ sẽ tổ chức “tiệc thịt gà” và mời người dân đến thưởng thức. Bộ trưởng Chăn nuôi bang Maharashtra, ông Sunil Kedar nói: “Các sản phẩm thịt gia cầm và món ăn chế biến từ thịt gà sẽ được bán cho người dân với giá khuyến mại. Ngoài ra, một chiến dịch nâng cao nhận thức về virus trong ngành chăn nuôi cũng sẽ được triển khai”. 

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đang điều tra và thu thập chứng cớ để truy tố những người đầu tiên loan tin “ăn thịt gà dính virus Corona”. Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm trụ sở tại thành phố Pune (Ấn Độ) đã đệ đơn khiếu nại lên cảnh sát cáo buộc một người đàn ông ở Tây Bengal là nguồn gốc xuất phát thông tin giả mạo trên. Nhân vật tình nghi tung tin đồn này đang đối mặt với việc bị cảnh sát bắt giữ.

Trên thực tế, có chủng cúm gà có thể lây nhiễm cho cả gia cầm lẫn người. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm từ gà sang người. “Có những thông tin sai lệch cho rằng virus Corona có thể lây từ gà, cừu và hải sản. Hoàn toàn chưa được kiểm chứng”, ông G. S. G. Ayyangar, người đứng đầu Cơ quan Tiêu chuẩn và An toàn Thực phẩm Ấn Độ khẳng định. 

Tại Iran, một người phát ngôn Quốc hội Iran tuyên bố rằng bất cứ cá nhân nào “lan truyền tin đồn thất thiệt” về dịch COVID-19 tại nước này sẽ phải đối mặt với mức án từ 1-3 năm tù và chịu phạt đòn roi. Ông Norouzi cho biết mức phạt ngồi tù và đòn roi là dựa trên “luật hình sự Hồi giáo”.

Đã có 24 người bị bắt vì nghi vấn lan truyền tin giả liên quan đến COVID-19. Mới đây, tại nước Cộng hòa Hồi giáo này cũng ghi nhận 27 người tử vong vì ngộ độc methanol sau khi nghe theo tin đồn thất thiệt rằng “uống rượu có thể diệt virus Corona” và mua rượu lậu về sử dụng.

Xuân Chi/Báo Tin tức
Cảnh giác với thẻ chống virus được 'thổi phồng' có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2
Cảnh giác với thẻ chống virus được 'thổi phồng' có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2

Thời gian gần đây, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều trang mạng xã hội đã giới thiệu, quảng cáo một sản phẩm với tên gọi thẻ đeo chống virus và diệt khuẩn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN