Chủ tịch Trung Quốc thăm Nga giữa lúc căng thẳng với Mỹ leo thang

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 5/6 đã tới thủ đô Moskva, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Nga theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin. Chuyến thăm được đặc biệt quan tâm vì hai quốc gia đều đang có căng thẳng trong mối quan hệ với Mỹ.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva ngày 5/6. Ảnh: AFP

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg được khai mạc ngày 6/6. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman khẳng định ông sẽ không tham dự.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đánh giá trong thời điểm đang tham chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã cố gắng tăng cường mối quan hệ với Nga ở nhiều lĩnh vực.
Ở thời điểm cũng phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu, Nga có nhiều lý do để tìm kiếm mối quan hệ thân thiết hơn với láng giềng Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng phạm vi hợp tác giữa Trung Quốc và Nga vẫn tồn tại hạn chế. Đầu tư của Trung Quốc vào Nga đã giảm mặc dù có gia tăng trong thương mại song phương, chủ yếu dựa vào xuất khẩu năng lượng từ Nga tới Trung Quốc.

Ngân hàng Trung ương Nga cho biết đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Nga đã giảm mạnh trong nửa đầu năm 2018. Thực trạng này khiến truyền thông Nga nghi ngờ rằng các công ty Trung Quốc ủng hộ lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Moskva.

Giáo sư Ivan Tselichtchev tại Đại học Quản lý Niigata (Nhật Bản) đánh giá: “Doanh nghiệp và các nhà đầu tư Trung Quốc cảm thấy cần cẩn trọng về môi trường đầu tư tại Nga. Có nhiều đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Quan tâm có nhưng quy mô không lớn. Nga dường như còn hy vọng rằng đầu tư Trung Quốc sẽ đền bù cho suy giảm trong đầu tư từ những quốc gia phát triển. Tuy nhiên, điều đó chưa hề xảy ra, ít nhất là ở thời điểm này”.

Bất chấp đầu tư yếu từ Trung Quốc, thương mại song phương giữa hai quốc gia đã tăng 24,5% trong năm 2018 nhờ xuất khẩu dầu và khí đốt từ Nga.

Chuyên gia Grzegorz Kuczyski tại Viện Warsaw (Ba Lan) nhận định: “Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu khí củng cố chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin với việc hợp tác cùng Trung Quốc nhắm đến Mỹ”.

Theo nhiều nhà phân tích, tăng cường hợp tác về kinh tế dự kiến diễn ra ở mức độ chính phủ, đi đầu nhờ các công ty quốc doanh và cái tên được nhắc đến là công ty năng lượng Rosneft và Gazprom của Nga, vốn đạt được nhiều hợp đồng tại Trung Quốc trong những năm qua.

Chú thích ảnh
Cây cầu bắc qua sông Amur. Ảnh: TASS

Trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” để đẩy mạnh thương mại, Trung Quốc đã đầu tư 2,58 tỷ nhân dân tệ xây dựng cầu bắc qua sông Amur nối thị trấn Hắc Hà thuộc tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) với thành phố Blagoveshchensk của Nga. Công trình này dự kiến giúp tăng cường hoạt động vận chuyển nông sản từ Nga tới Trung Quốc.

Trong khi đó, do chiến tranh thương mại, Trung Quốc đã giảm mạnh nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng từ Mỹ trong những tháng gần đây.

Nhà nghiên cứu Shi Ze tại Viện nghiên cứu Quốc tế ở Bắc Kinh đánh giá: “Sẽ có khoảng trống trong thị trường Trung Quốc do thiếu vắng các sản phẩm Mỹ vì chiến tranh thương mại. Vậy ai sẽ bù đắp khoảng trống này? Tôi cho rằng Nga sẽ là ưu tiên của Trung Quốc’.

Các nhà quan sát cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin đều ủng hộ hợp tác song phương và sẽ tìm cách phối hợp chính sách trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Nhà nghiên cứu Shi Ze phân tích: “Cả Nga cùng Trung Quốc đều có trách nhiệm bảo vệ ổn định thế giới trong thời điểm xuất hiện thách thức từ chủ nghĩa đơn phương, khủng bố và an ninh, đặc biệt là kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng tên lửa tầm trung”.

Hà Linh/Báo Tin tức
68% cổ đông bỏ phiếu yêu cầu Mark Zuckerberg từ chức Chủ tịch Facebook
68% cổ đông bỏ phiếu yêu cầu Mark Zuckerberg từ chức Chủ tịch Facebook

Sức ép nhằm vào nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg buộc ông phải giảm bớt tầm ảnh hưởng tại tập đoàn đã gia tăng sau khi có đến 68% cổ đông nhất trí yêu cầu ông từ bỏ chức chủ tịch hiện nay. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN