Chủ tịch Trung Quốc sẽ thăm đâu, thưởng thức gì trong chuyến thăm Triều Tiên

Trong chuyến thăm Triều Tiên tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt người đồng cấp Kim Jong-un, tới thăm tòa tháp hữu nghị Trung-Triều và thưởng thức màn đồng diễn quen thuộc của quốc gia láng giềng Đông Bắc Á.

Chú thích ảnh
Tòa Tháp Hữu nghị Trung-Triều tưởng nhớ và tri ân tới sự đóng góp của quân đội Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên. Ảnh: AFP

Theo kế hoạch, Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện sẽ lưu lại Triều Tiên trong hai ngày 20-21/6. Với chuyến đi này, ông Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên thăm quốc gia Đông Bắc Á trong vòng 14 năm qua.

Theo báo Hàn Quốc Chosun Ilbo, trong hai ngày ở Bình Nhưỡng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội kiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và tới thăm tòa tháp Hữu nghị Trung-Triều. Đây là công trình để tưởng nhớ và tri ân tới sự đóng góp của quân đội Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc còn có cơ hội thưởng thức "đặc sản" Triều Tiên là màn đồng diễn xếp hình trên sân vận động với sự tham gia của hàng chục nghìn người.

Chú thích ảnh
Màn đồng diễn năm ngoái của Triều Tiên gửi lời tri ân tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: NK News

Tháng 11 năm ngoái, các nghệ sĩ Triều Tiên đã cùng nhau tham gia đồng diễn dưới một tấm hình ghép của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi một đoàn biểu diễn nghệ thuật Trung Quốc sang Bình Nhưỡng.

Trước đó, theo phóng viên hãng tin Nhật Bản Asia Press, Triều Tiên đã hồi sinh màn đồng diễn “biển người”, sau khi hồi đầu tháng Sáu, Chủ tịch Kim Jong-un ra lệnh dừng hoạt động này để điều chỉnh lại vì không hài lòng về nội dung ban đầu của chương trình.

Ngày 19/6, Asia Press đưa tin động thái hồi sinh hoạt động đồng diễn “có thể liên quan” tới chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. “Sẽ rất bất thường nếu ông Tập Cận Bình không xem màn đồng diễn cùng ông Kim Jong-un. Trước đây, các nhà lãnh đạo nước ngoài tới Triều Tiên nhìn chung đều tham dự”, Minyoung Lee – chuyên gia của trang mạng phân tích dữ liệu Triều Tiên – nhận định.

Chuyên gia Lee nhớ lại lần thưởng thức màn đồng diễn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 9 hay lần xem của Chủ tịch Cuba Díaz-Canel trong tháng 11 năm ngoái. Tháng 10/2000, Bình Nhưỡng cũng mời Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là bà Madeleine Albright tới xem đồng diễn nhân dịp bà tới thủ đô Triều Tiên tham gia cuộc gặp lịch sử với cố Chủ tịch Kim Jong-il.

Sáng 20/6, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khởi hành tới Bình Nhưỡng. Chuyến thăm được diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Triều Tiên tích cực hợp tác để cải thiện quan hệ song phương sau khi mối quan hệ này bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi Bắc Kinh ủng hộ các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng liên quan các hoạt động hạt nhân của nước này. Trong vòng 1 năm qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng 4 lần tới Trung Quốc để hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Sau khi kết thúc chuyến thăm Triều Tiên, Chủ tịchTập Cận Bình sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Nhật Bản, nơi ông dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump để thảo luận về những căng thẳng thương mại giữa hai bên.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Trung Quốc–Triều Tiên: Mối quan hệ nhiều thăng trầm bên dòng sông Áp Lục
Trung Quốc–Triều Tiên: Mối quan hệ nhiều thăng trầm bên dòng sông Áp Lục

Dòng sông Áp Lục là biên giới tự nhiên giữa Trung Quốc và Triều Tiên, nơi chứng kiến bao thăng trầm trong mối quan hệ hai nước mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc từng ví một cách hình tượng như “môi và răng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN