Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc giúp nối lại đàm phán Mỹ-Triều?

Chuyến thăm chính thức Triều Tiên cuối tuần của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể là một tín hiệu tới Mỹ về cơ hội nối lại đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay trong lần gặp ngày 28/3. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trong hai lần hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump, trước khi gặp nhà lãnh đạo Mỹ, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thường có những chuyến công du Trung Quốc và trao đổi với người đồng cấp Tập Cận Bình.

Theo giới quan sát, ngoài ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ song phương Trung-Triều, chuyến thăm cấp nhà nước Triều Tiên của Chủ tịch Trung Quốc kéo dài hai ngày 20-21/6 có thể đóng vai trò như một động lực thúc đẩy đàm phán Mỹ-Triều.

“Như chúng ta thấy sau các lần hội nghị thượng đỉnh Trung-Triều trước đây là một ván cờ ngoại giao lớn. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thường sử dụng những cơ hội này để xem người đồng cấp Trung Quốc nghĩ gì và ủng hộ kiểu kết quả nào”, Harry Kazianis – Giám đốc cấp cao nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm Center for the National Interest – trả lời phỏng vấn Yonhap.

Chuyên gia Scott Snyder, nghiên cứu Triều Tiên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, nêu khả năng sẽ có thêm các cuộc gặp thượng đỉnh có sự tham gia của Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc.

“Thời điểm diễn ra chuyến công du của ông Tập Cận Bình trở thành một điềm báo trước cho một cuộc gặp thượng đỉnh Moon Jae In-Trump. Với những gì diễn ra trong các cuộc gặp ngoại giao năm 2018, có thể sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều hoặc Mỹ-Triều diễn ra sau cuộc gặp Trung-Triều”, ông Scott ám chỉ tới kế hoạch gặp mặt của Tổng thống Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in vào cuối tháng này tại Seoul.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Triều Tiên trong cuộc gặp đầu tiên ở Singapore tháng 6/2018. Ảnh: Straits Time

Là đồng minh lớn duy nhất hỗ trợ kinh tế của Triều Tiên, Trung Quốc sở hữu một “đòn bẩy đáng kể” đối với quốc gia Đông Bắc Á.

Chủ tịch Tập Cận Bình có thể lợi dụng sự ảnh hưởng này như một quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ khi gặp người đồng cấp Trump tại hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tổ chức vào 28-29/6 tại Osaka, Nhật Bản.

Mỹ đang ở trong tình trạng bế tắc với cả Trung Quốc và Triều Tiên vào thời điểm Tổng thống Trump cần một chiến thắng ngoại giao, trở thành một cú huých tích cực cho chiến dịch tái tranh cử năm 2020.

"Một thực tế đáng buồn là Washington hoàn toàn phụ thuộc vào Bắc Kinh thực thi cái gọi là chiến lược gây sức ép tối đa khi 90% mặt hàng xuất khẩu của Triều Tiên di chuyển qua Trung Quốc bằng cách này hay cách khác", chuyên gia Kazianis đề cập đến các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Triều Tiên. “Nếu Chủ tịch Tập Cận Bình quyết định phá vỡ chiến lược về Triều Tiên của Mỹ, ông ấy chỉ cần làm việc đó trong vài tuần, bằng cách mở biên giới hoàn toàn với Triều Tiên. Điều này sẽ làm Washington lo sợ”.

Về phần mình, Mỹ dường như rất tin tưởng khi cho rằng Trung Quốc chia sẻ quan điểm cùng Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

“Mục tiêu của chúng tôi là đạt được một thỏa thuận phi hạt nhân hóa toàn diện cuối cùng mà Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chấp thuận. Cả thế giới mong chờ vào sự cam kết của Chủ tịch Kim Jong-un với tiến trình phi hạt nhân hóa’, một quan chức Nhà Trắng giấu tên tiết lộ cho Yonhap.

Trong khi đó, một đại diện phát ngôn thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ từng chỉ đích danh Trung Quốc: "Mỹ cùng với các đối tác và đồng minh, và các nước thành viên thường trực khác của HĐBA LHQ, trong đó có Trung Quốc, tuân thủ mục tiêu chung là đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên toàn diện, đầy đủ và có kiểm chứng".

Cuộc gặp hai nhà lãnh đạo Trung-Triều đầu năm 2019 (nguồn: CGTN):

Một số nhà phân tích cho rằng Triều Tiên nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc sẽ càng làm khăng khít mối quan hệ song phương truyền thống.

Trong thông điệp năm mới 2019, Chủ tịch Kim Jong-un cảnh báo Bình Nhưỡng có thể “buộc phải tìm một cách mới” để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình nếu Mỹ không giữ" lời hứa "và duy trì các biện pháp trừng phạt và gây sức ép lên chế độ.

"Tôi không nghĩ thời điểm là sự trùng hợp ngẫu nhiên", Robert Manning, thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương, nói về thời gian chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, “dường như ông Tập đang ra một tuyên bố mang tính biểu tượng về tầm quan trọng của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Bán đảo Triều Tiên, nhấn mạnh vai trò khu vực và toàn cầu,cũng như gợi ý về sự thay thế mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un ám chỉ cách đây không lâu”.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Động đất nghiêm trọng ở Trung Quốc: 12 người thiệt mạng, 125 người bị thương
Động đất nghiêm trọng ở Trung Quốc: 12 người thiệt mạng, 125 người bị thương

Truyền thông Trung Quốc ngày 18/6 đưa tin số người thương vong trong trận động đất có cường độ 6 xảy ra tại ngoại ô thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc trước đó một ngày tiếp tục tăng. Trong khi đó, công tác cứu hộ, cứu nạn được triển khai nhanh chóng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN