Theo kế hoạch, sau khi rời EU vào ngày 31/1/2020, Anh sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp, theo đó nước này chỉ còn là thành viên EU trên danh nghĩa và hai bên sẽ nỗ lực đạt được thỏa thuận về mối quan hệ hậu Brexit. Trong bài phỏng vấn đăng trên báo Les Echos số ra ngày 27/12, bà Leyen đặc biệt lo ngại thời gian còn lại quá ít, thời hạn chót của thỏa thuận hậu Brexit đã tới gần.
Theo bà, đây không chỉ là đàm phán về thỏa thuận thương mại, mà còn bao gồm nhiều vấn đề khác vì vậy cả hai bên nên xem xét một cách nghiêm túc liệu việc hoàn tất các cuộc đàm phán này có khả thi trong khoảng thời gian ngắn như vậy không. Bà cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu xem xét những vấn đề này vào giữa năm tới rồi sau đó là gia hạn giai đoạn chuyển tiếp nếu cần thiết.
Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh bức tranh Brexit ngày càng rõ ràng hơn sau ngày 20/12, khi thỏa thuận Brexit mà Anh và EU ký kết hồi tháng 10 vừa qua đã được thông qua tại Hạ viện Anh, mở đường cho Thủ tướng Anh Boris Johnson hiện thực hóa cam kết hoàn thành Brexit đúng hạn vào ngày 31/1/2020.
Theo thỏa thuận mà Thủ tướng Johnson đạt được với EU nhưng chưa được Quốc hội Anh thông qua, Anh có thể đề nghị gia hạn giai đoạn chuyển tiếp thêm 1 đến 2 năm. Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson khẳng định sẽ không đề nghị gia hạn và đang chuẩn bị dự luật cấm một động thái như vậy. Trong trường hợp này, các nhà đàm phán sẽ chỉ còn 11 tháng để hoàn tất thỏa thuận thương mại, một nhiệm vụ mà giới chức hai bên đều cảnh báo là quá tham vọng. Nếu năm 2020 kết thúc mà không có thỏa thuận nào được hoàn tất, Anh sẽ kết thúc mối quan hệ với thị trường chung khổng lồ của EU mà không có thỏa thuận nào cho việc bảo vệ việc làm và thương mại song phương.
Đầu tuần này, Trưởng đoàn đàm phán EU về Brexit Michel Barnier đã nhận định việc phác thảo và thông qua một thỏa thuận hậu Brexit vào năm tới là một thách thức lớn song hai bên sẽ nỗ lực hết sức.