Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn nội dung bài viết cho biết những thách thức trên đòi hỏi EU cần hành động một cách chiến lược, nếu không liên minh này sẽ bị chia rẽ. Trong bối cảnh đó, việc Pháp và Đức đưa mối quan hệ giữa song phương trở lại đúng hướng có nghĩa ý rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề chung của EU, bởi hiện Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel không có quan điểm chung trong ba vấn đề: mở rộng khối, Nga và an ninh.
Đối với vấn đề mở rộng khối, Đức ủng hộ đẩy nhanh tiến trình này, trong khi Pháp lại muốn các vấn đề nội khối của EU hiện nay phải được giải quyết trước tiên là tăng cường hội nhập và gắn kết giữa các thành viên EU về chính trị và kinh tế. Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ủng hộ kết nạp thành viên EU đối với các nước khu vực Tây Balkan, dù không phải trong tương lai gần.
Đã có một số quan ngại rằng việc tiếp tục trì hoãn nguyện vọng gia nhập EU sẽ khiến các nước khu vực Tây Balkan ngả vào vòng ảnh hưởng lớn hơn của Nga hoặc Trung Quốc, trong bối cảnh hai nước này đang tăng cường ảnh hưởng tại khu vực thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Thậm chí, một số quốc gia có thể còn đối mặt với nguy cơ bất ổn nội bộ về chính trị nếu các nhà lãnh đạo thân EU không thực hiện được lời hứa về mối quan hệ chặt chẽ hơn mặc dù đã thực hiện cải cách theo yêu cầu của Brussels. Điều này sẽ không có lợi đối với sự ổn định của EU.
Bên cạnh vấn đề mở rộng khối, Pháp và Đức còn bất đồng về quan hệ với Nga. Tổng thống Pháp muốn thiết lập lại mối quan hệ với Kremlin, bởi lâu nay Pháp đã thúc đẩy xây dựng một kiến trúc an ninh khu vực trải dài từ Lisbon tới Vladivostok. Điều này sẽ khiến EU xa rời Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, Thủ tướng Đức lại giữ lập trường cứng rắn đối với Nga sau sự kiện Bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Nga năm 2014 và cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine.
Ngoài ra, một thách thức nữa mà EU phải đối mặt là liệu châu Âu có thể đóng vai trò nhân tố đảm bảo an ninh trên thế giới thời kỳ hậu Brexit hay không. Tiến trình đối thoại và cơ chế hợp tác nội khối dựa trên nguyên tắc đồng thuận của EU do nhà kinh tế học người Pháp Jean Monnet xây dựng được coi là hòn đá tảng của Cộng đồng Than Thép châu Âu trước đây.
Cơ chế hợp tác này có ý nghĩa then chốt đối với việc xây dựng lòng tin và hòa bình ở khu vực Tây Âu, song đã không còn nguyên giá trị như trước vì thực tế các quyết định trong hầu hết trường hợp của EU đều dựa trên "mẫu số chung thấp nhất". Do sự cải tổ chậm chạp của châu Âu kể từ năm 1945, "Lục địa già" chủ yếu phụ thuộc vào các cam kết của Mỹ về chính trị, kinh tế và các thể chế đa phương. Do đó, câu hỏi đặt ra là liệu EU có thể đáp ứng mục tiêu thay đổi vai trò địa chiến lược của mình hay không nếu tổ chức này vẫn phụ thuộc vào các tiến trình đối thoại và cơ chế hợp tác nội khối cũ.
Bài viết kết luận có thể Brexit là sự khởi đầu của thời kỳ kết thúc tiến trình dẫn dắt châu Âu đã được Pháp và Đức chèo lái. Nếu điều này diễn ra, Paris và Berlin cần tìm các biện pháp để giải quyết các vấn đề của khối trong thập kỷ tới để nâng cao vị thế của EU.