Chủ nghĩa dân tộc về vaccine sẽ khiến thế giới gặp rủi ro

Khoảng 1 năm sau khi chương trình tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được triển khai ở các nước phát triển, vấn đề công bằng vaccine vẫn đang là bài toán khó giải, khi có tới 3/4 số lượng vaccine được sản xuất thuộc về các nước có thu nhập cao và trên trung bình.

Chú thích ảnh
Phát biểu với Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới qua video, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres (trong ảnh) kêu gọi phân phối hợp lý hơn vaccine ngừa COVID-19. Ông cảnh báo rằng chủ nghĩa dân tộc về vaccine và việc tích trữ vaccine sẽ khiến tất cả thế giới gặp rủi ro. Ảnh: THX/TTXVN

Cảnh báo được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và lãnh đạo các nước đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới đang diễn ra ở Berlin (Đức), rằng "chủ nghĩa dân tộc về vaccine và việc tích trữ vaccine sẽ khiến tất cả thế giới gặp rủi ro", càng bộc lộ một nghịch lý là trong khi ở một số nước phát triển, hàng triệu liều vaccine ngừa COVID-19 hết hạn sử dụng bị vứt bỏ, thì ở nhiều nước nghèo, người dân chờ đợi hàng tháng vẫn chưa có vaccine để tiêm.

Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown đã dùng cụm từ "thảm họa lãng phí vaccine" để mô tả tình trạng hơn 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong kho dự trữ của các nước giàu có nguy cơ bị vứt bỏ trong 3 tháng cuối năm 2021 do hết hạn, giữa lúc hàng triệu người mắc COVID-19 ở những quốc gia nghèo nhất thế giới phải trả giá bằng mạng sống vì không có vaccine tiêm phòng.

Theo thống kê của hãng nghiên cứu Anh Airfinity, khoảng 100 triệu liều vaccine đã được các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7 - gồm Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Đức, Italy, Nhật Bản) và Liên minh châu Âu (EU) mua, dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Đây là con số ước tính sau khi trừ đi số lượng vaccine mà các nước G7 và EU dự kiến tiêm tăng cường cho người dân. Vì hạn sử dụng ngắn và những khó khăn về hậu cần, số vaccine dư thừa này khó có thể chuyển tới các quốc gia nghèo đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung vaccine.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Halle, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ là một trong những quốc gia điển hình về tình trạng lãng phí vaccine ngừa COVID-19. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trong vòng 6 tháng (kể từ ngày 1/3/2021), Mỹ đã vứt bỏ ít nhất 15,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Các bang Texas, North Carolina, Pennsylvania và Oklahoma là những nơi tiêu hủy nhiều vaccine do quá hạn sử dụng nhất.

Cũng suốt mấy tháng qua, tình trạng dư thừa vaccine khiến chính quyền nhiều bang ở Đức "đau đầu" với bài toán tìm chỗ lưu trữ lâu dài và sử dụng trước khi vaccine hết hạn. Tại Hà Lan, khoảng 10.000 liều vaccine đã bị bỏ phí. Tháng 7 vừa qua, Ba Lan phải vứt bỏ 73.000 liều vaccine của nhiều hãng khác nhau. Cùng tháng, khoảng 80.000 liều Pfizer-BioNTech hết hạn sử dụng ở Israel.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là do các nước giàu đã mua và dự trữ quá nhiều vaccine. Theo thống kê, các nước giàu chiếm 16% dân số thế giới đã mua tới 60% nguồn cung cấp vaccine trên toàn cầu, có quốc gia thậm chí đặt mua số lượng nhiều hơn số dân của mình. Canada mua đủ lượng vaccine cho 453,1% dân số, Anh mua 270,3%, Australia mua 225,1%, Mỹ mua 182,8% dân số.

Phân tích số liệu do hãng Airfinity thực hiện cho thấy, các nước giàu có thể sở hữu tới 1,2 tỷ liều vaccine không cần dùng đến, ngay cả khi tiêm mũi tăng cường cho người dân. Trong khi đó, tốc độ tiêm chủng vaccine ở nhiều nước phát triển đang có xu hướng chậm lại do vẫn còn một bộ phận người dân không muốn đi tiêm chủng. Điều đó khiến số vaccine dự trữ quá hạn ngày càng nhiều.

Tình trạng vaccine hết hạn không chỉ xảy ra ở các quốc gia giàu có. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ tính tới đầu tháng 8 vừa qua, gần 500.000 liều vaccine của các hãng khác nhau đã hết hạn ở châu Phi. Thực trạng này là do năng lực bảo quản, vận chuyển, phân phối cũng như và nguồn nhân lực để triển khai tiêm chủng ở châu Phi vẫn  hạn chế, trong khi phần lớn vaccine ngừa COVID-19 được chuyển tới châu Phi còn thời gian sử dụng tương đối ngắn.

Ông Richard Mihigo, điều phối viên về tiêm chủng và phát triển vaccine của WHO tại châu Phi, cho biết: "Hầu hết vaccine được gửi đến đều cận hạn sử dụng". Hồi tháng 5 vừa qua, Nam Sudan đã nhận khoảng 59.000 liều vaccine chỉ 2 tuần trước khi hết hạn sử dụng và buộc phải tiêu hủy khi không thể kịp thời phân phối tới các điểm tiêm chủng. Liberia cũng bỏ phí 27.000 liều vaccine, Benin phải bỏ 51.000 hay Malawi vứt đi 20.000 liều cũng vì lý do tương tự.

Trong nỗ lực “cứu” hàng triệu liều vaccine COVID-19 “cận date”, các nước phát triển đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm khuyến khích người dân đi tiêm chủng, thúc đẩy tiêm mũi tăng cường.... Bên cạnh đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã nhất trí kéo dài thời hạn sử dụng vaccine của hãng Johnson & Johnson từ 4 tháng rưỡi lên 6 tháng với nhiệt độ bảo quản từ 2-8 độ C.

Các nước cũng tiến hành hoán đổi vaccine với nhau, tức là quốc gia đang thiếu hụt sẽ mượn tạm vaccine của nước đang thừa để thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng trong nước, và sẽ trả sau. Australia đã nhận trước vaccine của Singapore và Anh, Hàn Quốc nhận của Israel... trong các thỏa thuận như vậy. Đây được đánh giá là thỏa thuận thuận đôi bên cùng có lợi khi những nước đang thiếu vaccine đáp ứng được như cầu tiêm chủng, trong khi nước đang dư thừa vaccine sẽ tránh được việc bỏ phí vaccine và phải tiêu hủy vaccine khi hết hạn sử dụng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những giải pháp trên chỉ giải quyết được "phần nổi" của tảng băng chìm, bởi số lượng vaccine dư thừa từ nay tới cuối năm ở các nước phát triển ước tính là rất nhiều. Theo phân tích của hãng Nikkei Asia, các nhà sản xuất vaccine COVID-19 đang trên đà sản xuất 12,2 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay, đủ để tiêm hai mũi cho toàn bộ dân số trên 12 tuổi của toàn thế giới. Tuy nhiên, phần lớn số vaccine này đã được cam kết cung cấp cho các nước phát triển. Nếu không có sự phân bổ hợp lý hơn, nghịch cảnh nơi thừa vaccine đến mức phải vứt bỏ vì quá hạn sử dụng, nơi không có vaccine để cứu sinh mạng của hàng triệu người, sẽ còn tiếp diễn.

Tiến sĩ Matt Linley, trưởng nhóm nghiên cứu tại công ty Airfinity, nhận định từ nay tới cuối năm, các nước giàu có thể bỏ phí khoảng   241 triệu liều vaccine nếu không sớm chia sẻ cho các nước nghèo. Liên minh vaccine Gavi – tổ chức đồng điều hành COVAX, các quốc gia đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao cần chia sẻ vaccine một cách có tổ chức, trên quy mô lớn và với vaccine vẫn còn hạn sử dụng, bao gồm cả việc hỗ trợ để các nước nghèo nâng cao năng lực về cơ sở hạ tầng vận chuyển và bảo quản vaccine, bảo đảm vaccine được sử dụng hiệu quả.

Tới nay, COVAX đã phân phối hơn 300 triệu liều vaccine, chủ yếu do các nước phát triển cung cấp, cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, lượng vaccine này còn cách xa mục tiêu mà COVAX đặt ra, là cung cấp khoảng 1,4 tỷ liều vào cuối năm nay. Điều đáng nói, hồi tháng 9, COVAX đã phải điều chỉnh giảm 30% so với mục tiêu ban đầu là cung cấp cho các nước nghèo 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm 2021. Theo bà Mariangela Simao, Trợ lý Tổng giám đốc WHO về quyền tiếp cận dược phẩm và các sản phẩm y tế, tính tới đầu tháng 10, trong số hơn 90 quốc gia nghèo nhất thế giới được nhận vaccine của COVAX, có tới một nửa mới tiêm vaccine COVID-19 cho dưới 20% dân số, thậm chí có 26 quốc gia tiêm cho chưa đầy 10% dân số.

Tại Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới khai mạc tối 24/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres một lần nữa kêu gọi phân phối hợp lý hơn vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo không quốc gia nào có thể chấm dứt đại dịch khi tự cô lập với phần còn lại của thế giới, đồng thời kêu gọi các chính phủ và các nhà sản xuất cần cung cấp nhiều vaccine hơn nữa, đặc biệt là cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, và đây là cách duy nhất để kiểm soát đại dịch COVID-19. Nói cách khác, thế giới chỉ có thể vượt qua đại dịch nếu các nước có thể hợp tác và đoàn kết để chấm dứt nghịch lý thiếu-thừa vaccine.

Minh Tâm (TTXVN)
Pfizer: Vaccine của hãng hiệu quả 90,7% ở trẻ 5-11 tuổi
Pfizer: Vaccine của hãng hiệu quả 90,7% ở trẻ 5-11 tuổi

Ngày 22/10, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho biết loại vaccine ngừa COVID-19 do hãng này phối hợp sản xuất cùng hãng dược phẩm BioNTech (Đức) có hiệu quả 90,7% chống lại virus SARS-CoV-2 ở trẻ em từ 5-11 tuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN