Bà Lagarde cho rằng Nhật Bản cần có "một cách nhìn mới" đối với chính sách kinh tế do Thủ tướng Shindo Abe khởi xướng kết hợp chính sách tiền tệ siêu lỏng với các biện pháp kích thích tài khóa và cải cách cơ cấu. IMF cho rằng các nguyên tắc cơ bản của chính sách kinh tế mà Tokyo đang theo đuổi vẫn đúng đắn nhưng cần được mở rộng, củng cố và tăng tốc.
Tổng giám đốc IMF cũng cảnh báo các thách thức kinh tế mà Nhật Bản phải đối mặt sẽ chỉ tăng lên khi dân số tiếp tục giảm và già hóa. Theo đó, trong 40 năm tới, quy mô nền kinh tế cũng như dân số Nhật Bản sẽ cùng giảm 25% so với hiện tại.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2018 sẽ đạt mức 1,1% và giảm xuống còn 0,9% trong năm tới.
Về triển vọng nâng mức lạm phát lên trên chỉ tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đề ra, bà Lagarde cho rằng giá cả tại quốc gia này trong thời gian tới sẽ tiếp tục chiều hướng tăng với tốc độ chậm, nhưng sẽ vẫn dưới mức mong muốn trong vài năm tới.
Ngoài ra, bà Lagarde cho rằng Nhật Bản cần nỗ lực hơn nữa để thu hẹp chênh lệch giới trên thị trường lao động trong nước, dù thời gian qua, chính phủ của Thủ tướng Abe cũng đã đặt trọng tâm chính sách kinh tế vào việc cải thiện tình hình này.
Một trong những biện pháp mà IMF gợi ý Nhật Bản nên thực hiện để khuyến khích nữ giới tham gia lực lượng lao động là tăng cường các dịch vụ trông trẻ và các dịch vụ bảo mẫu, cũng như thu hẹp chênh lệch thu nhập giới.
Trong báo cáo mới nhất về chênh lệch giới toàn cầu được công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa qua, Nhật Bản ở thứ hạng thấp nhất trong Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và đứng thứ 114 trên toàn thế giới.