Trong bài phát biểu, ông Liu nhấn mạnh tới yêu cầu then chốt là chuyển đổi nền kinh tế từ giai đoạn tăng trưởng nhanh sang giai đoạn phát triển chất lượng và các chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách cơ cấu, cải cách và xã hội trong những năm tới sẽ được xây dựng trên cơ sở đó.
Một cảng hàng hóa ở Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông nói, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc sẽ tăng từ mức trên 8.000 USD lên 10.000 USD và thậm chí là cao hơn và trong quá trình đó, Trung Quốc cần tập trung nhiều hơn vào cải cách cơ cấu hơn là gia tăng số lượng. Ông cũng chỉ ra một số lợi ích to lớn đã có được như nhu cầu trong nước tăng ổn định, với tiêu dùng đóng góp 58,8% tăng trưởng kinh tế, tăng gần bốn điểm phần trăm so với 5 năm trước và giá trị gia tăng của lĩnh vực dịch vụ đóng góp 60% GDP, tăng hơn năm điểm phần trăm.
Theo ông Liu, nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện vào lúc này là cải cách cơ cấu về phía nguồn cung, cắt giảm tình trạng dư thừa công suất, giảm lượng nhà tồn kho, giảm tỷ lệ nợ, giảm chi phí chung và củng cố các mối liên kết còn yếu trong nền kinh tế, từ các dịch vụ công đến cơ sở hạ tầng và các tổ chức, với hy vọng làm cho nguồn cung có khả năng thích ứng và đổi mới hơn.
Ông cho biết đã có một số tiến triển ban đầu như công suất thép đã được cắt giảm trên 115 triệu tấn kể từ năm 2016, công suất thép không đạt chuẩn giảm thêm 140 triệu tấn thép và công suất than giảm trên 500 triệu tấn. Theo ông, dù những biện pháp này đã khiến giá tăng trong một số lĩnh vực, tăng trưởng năng suất đã dừng được đà giảm và bắt đầu tăng vào năm 2016 và cải cách cơ cấu về phía nguồn cung đã có những tác động tích cực trên toàn cầu.
Về ba vấn đề căn bản cần giải quyết, ông Liu cho biết đó là ngăn chặn rủi ro, giảm đói nghèo và kiểm soát ô nhiễm. Ông nói, để xây dựng một xã hội tương đối khá giả về mọi mặt, Trung Quốc phải giải quyết được thành công ba vấn đề này. Theo ông, trước hết, mặc dù hệ thống tài chính về cơ bản vẫn ổn định với tỷ lệ tiết kiệm cao, Trung Quốc vẫn cần tiếp tục ngăn chặn và giải quyết các rủi ro tài chính lớn. Ông cho rằng việc tăng trưởng nợ đã chậm lại kể từ quý IV/2017 là một dấu hiệu tích cực.
Tiếp đến, Trung Quốc sẽ phải tiếp tục những nỗ lực thích hợp và có mục tiêu hơn nhằm giải quyết tình trạng đói nghèo. Riêng trong năm 2018, Trung Quốc sẽ đưa 10 triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo đói. Vấn đề thứ ba cần giải quyết là kiểm soát ô nhiễm. Ông Liu nói phát triển xanh và ít cácbon là điều mà người dân Trung Quốc mong muốn nhất, khi từ bỏ mô hình tăng trưởng truyền thống và Trung Quốc sẽ thực hiện các cam kết chống biến đổi khí hậu và tuân thủ Hiệp định đã ký kết tại Paris.