Gói cứu trợ được công bố trong bối cảnh nền kinh tế vùng lãnh thổ này rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong một thập kỷ qua do tác động từ làn sóng biểu tình kéo dài gần 6 tháng qua và tác động từ môi trường kinh tế bên ngoài.
Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, gói cứu trợ lần này chủ yếu tập trung vào hỗ trợ người dân không có nhà ở, giảm gánh nặng kinh tế cho các doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng cắt giảm việc làm.
Các cá nhân, hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp có thể xin nộp thuế lương, thuế lợi nhuận hoặc thuế thu nhập cá nhân theo hình thức trả góp trong năm 2018-2019, với các khoản phụ phí được miễn tối đa là 1 năm.
Những người không có nhà ở được giảm hoặc hỗ trợ tiền điện, tiền nước, trong khi phí xả thải được giảm 75% trong 4 tháng.
Chính quyền đặc khu cũng sẽ đóng băng hợp đồng thuê đất ngắn hạn cho đến cuối năm sau và cho phép những người thuê hiện tại được gia hạn hợp đồng theo các điều khoản hiện hành.
Trước đó, Chính quyền Hong Kong cũng đã đưa ra 3 gói cứu trợ kinh tế, chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để bảo vệ nguồn việc làm của thành phố. Như vậy, cộng với gói cứu trợ thứ 4 lần này, tổng cộng Hong Kong đã chi 25 tỷ HKD (khoảng 3,1 tỷ USD).
Cục trưởng Cục Tài chính Hong Kong, ông Trần Mậu Ba cho biết một số biện pháp cứu trợ liên quan đến quy định pháp luật cần có sự phê chuẩn của Hội đồng Lập pháp, đồng thời kêu gọi các nghị sĩ nhanh chóng thông qua việc cấp kinh phí để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Theo ông Trần Mậu Ba, năm 2019 có thể là năm đầu tiên Hong Kong thâm hụt tài chính trong 15 năm qua, và năm 2020-2021 cũng không loại trừ khả năng xuất hiện thâm hụt lớn. Tuy nhiên, khi kinh tế suy thoái, Chính quyền đặc khu sẽ nỗ lực tăng chi tiêu công, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng giải quyết khó khăn trước mắt.
Trước đó, ngày 2/11, Chính quyền Hong Kong cho biết doanh thu bán lẻ trong tháng 10 giảm 24,3%, mức giảm kỷ lục trong lịch sử. Lượng khách du lịch tới Khu hành chính này cũng giảm gần 44%.