Theo đó, phát biểu trong một cuộc đối thoại với ông Husain Haqquani, Giám đốc phụ trách Nam và Trung Á thuộc Viện Hudson, ông Hamdullah Mohib cho biết Chính phủ Afghanistan chưa thấy sự thay đổi nào trong lập trường, quan điểm và chính sách của Taliban, dẫn đến hai bên còn nhiều khác biệt về chính sách đối ngoại, chính sách đối nội, quyền cơ bản của phụ nữ và quyền của các nhóm thiểu số. Vấn đề được đánh giá là "dễ dàng nhất" trong các cuộc đàm phán là chia sẻ quyền lực.
Cùng ngày, người đứng đầu Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc ở Afghanistan (UNAMA) Deborah Lyons cho biết cuộc gặp nội bộ Afghanistan sắp tới tại Thổ Nhĩ Kỳ là cơ hội để chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban đạt được các điều khoản về các vấn đề cơ bản còn tồn tại.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 23/3, bà Deborah Lyons cho rằng sau cuộc họp với các bên tại Doha vào đầu tháng 3, bà đã được biết một số vấn đề còn bất đồng giữa phía Taliban và Chính phủ Afghanistan đã có sự tiến triển trong bối cảnh các cuộc đàm phán đang diễn ra.
Người đứng đầu Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc ở Afghanistan cũng nhấn mạnh các cuộc đàm phán tại Istanbul được lên kế hoạch vào tháng 4 nhằm mục đích tạo cơ hội củng cố các nguyên tắc mà tiến trình đối thoại sẽ dựa vào đó, và có khả năng đặt nền móng cho một sự thỏa thuận công bằng và toàn diện để bổ sung cho các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Doha. Bà cũng khuyến cáo rằng các sáng kiến này phải tập trung, chặt chẽ và trên hết phải mang tính củng cố, thay vì phá hoại các cuộc đàm phán hòa bình Afghanistan hiện đang được tiến hành ở Doha.