Trên tài khoản Twitter ngày 22/2, người phát ngôn của Taliban Mohammad Naeem cho biết cuộc đàm phán đã được nối lại ở Qatar. Theo ông Naeem, cuộc đàm phán diễn ra trong bầu không khí "chân thành", đồng thời cam kết rằng cuộc đàm phán sẽ tiếp diễn, song không nêu rõ thêm thông tin chi tiết.
Trước đó, khi cuộc hòa đàm đột ngột kết thúc vào tháng 1/2021, chỉ vài ngày sau khi bắt đầu, cả hai bên đã đưa ra danh sách yêu cầu của mình cho các chương trình nghị sự. Nhiệm vụ hiện nay của hai bên là thống nhất các mục cần thương lượng và thứ tự sẽ được giải quyết.
Các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ làm trung gian giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban được khởi động từ tháng 9/2020 song chưa đạt được tiến triển rõ rệt. Trong bối cảnh đó, các vụ tấn công bạo lực gia tăng mạnh do đến nay vẫn chưa rõ liệu các lực lượng quốc tế có rút quân vào giữa năm nay như kế hoạch ban đầu hay không.
Báo cáo thường niên của Phái bộ hỗ trợ LHQ tại Afghanistan (UNAMA) công bố ngày 23/2 cho thấy, trong năm 2020, trên 8.800 dân thường ở Afghanistan thiệt mạng hoặc bị thương do xung đột. Mặc dù con số này thấp hơn 15% so với năm 2019, song điều đáng báo động là nếu chỉ tính riêng quý IV/2020 - thời điểm các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban bắt đầu diễn ra, số dân thường thương vong tăng cao nhất từ trước đến nay.
Theo thỏa thuận trước đó giữa Mỹ và Taliban đạt được dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, tất cả lực lượng Mỹ sẽ phải rút khỏi Afghanistan trước tháng 5/2021. Tuy nhiên, thỏa thuận này hiện được chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden xem xét lại. Ngày 12/2 vừa qua, một quan chức hàng đầu của Mỹ cho biết Washington đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi mà hạn chót đang đến gần nhưng Taliban không có dấu hiệu chấm dứt bạo lực.