Tờ Sunday Times (Anh) ngày 21/2 dẫn một nguồn tin ẩn danh tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết, có nhiều dấu hiệu cho thấy lệnh cấm vận sẽ được nới lỏng, bất chấp việc Nhà Trắng nhiều lần khẳng định trước đàm phán cần phải được khôi phục trước, rồi mới đến nới lỏng trừng phạt kinh tế. Có thể không diễn ra trong ngày một, ngày hai, nhưng gần như chắc chắn Mỹ sẽ thực hiện bước đi này – nguồn tin khẳng định.
Tổng thống Biden ngày 18/2 từng tuyên bố, Mỹ sẵn sàng bước tới bàn đàm phán “không chính thức” với phía Iran thông qua vai trò trung gian của Liên minh châu Âu (EU), có sự tham gia của các bên ký kết JCPOA khác gồm Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức. Đây được xem là phản ứng mềm mỏng của Washington trước yêu cầu của Tehran về khôi phục đàm phán, làm sống lại JCPOA.
Trước đó, Iran nói rằng ngày 23/2 là thời hạn chót để Mỹ có hành động cụ thể về dỡ, nới lỏng cấm vận kinh tế, cho thấy hiện thiện chí của Washington muốn quay lại thỏa thuận từng bị chính quyền Donald Trump từ bỏ. Quá thời điểm này, Tehran sẽ hạn chế, thậm chí chấm dứt hoạt động của thanh sát viên quốc tế tại các cơ sở hạt nhân của Iran.
Tháng 12/2020, Quốc hội Iran đã thông qua một dự luật yêu cầu nước Cộng hòa Hồi giáo này ngừng một số hoạt động thanh sát hạt nhân nếu như Mỹ không dỡ bỏ trừng phạt. Dự luật sẽ có hiệu lực chính thức từ ngày 23/2/2021.
Liền sau đó, giới chức Iran liên tục kêu gọi chính quyền ông Joe Biden có hành động cụ thể trong xóa bỏ, nới lỏng đòn trừng phạt kinh tế vốn khiến Iran phải chịu thiệt hại lên tới 150 tỉ USD - theo như tính toán của nước này.
Mới nhất, phát biểu trên kênh truyền hình Press TV ngày 21/2, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nêu rõ: Mỹ sẽ không thể tham gia tái đàm phán nếu không chịu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, bởi đàm phán chỉ diễn ra nếu các nước thực hiện nghĩa vụ của mình.