Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 18/2 cho biết Mỹ sẽ chấp nhận lời mời của đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) tham dự một cuộc gặp giữa nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) với Iran để thảo luận giải pháp ngoại giao về chương trình hạt nhân của Iran.
Đây được xem là bước đi đầu tiên của Washington nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Iran tồn tại trong 4 năm qua. Đó cũng là nỗ lực tiềm ẩn mạo hiểm chính trị đối với ông Biden nhằm vượt qua thế bế tắc trong hồ sơ hạt nhân Iran, sau khi Chính phủ Mỹ thực hiện một loạt đòn trừng phạt nhằm hủy hoại nền kinh tế của đối thủ, khiến nhiều lãnh đạo thế giới bức xúc.
Đề xuất xúc tiến thảo luận hướng đến mục tiêu khôi phục con đường can dự ngoại giao với Iran được đưa ra trong bối cảnh Tehran gần đây dần từ bỏ cam kết đối với Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA – gọi tắt là thỏa thuận hạt nhân Iran), nhằm trả đũa chiến lược “gây sức ép tối đa” bằng đòn cấm vận kinh tế của chính quyền Trump.
Giới chức Mỹ và EU hiện quan ngại trước quyết định của Iran không cho phép thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) giám sát các cơ sở hạt nhân ở nước này từ ngày 23/2 tới một khi Washington không có thiện chí dỡ, nới lỏng cấm vận.
Một quan chức ngoại giao Mỹ cho biết, bước đi này của Washington không phải là nhượng bộ trước Iran, mà là bước xuống thang vì lợi ích chung. Từ chối tiết lộ thời điểm có thể diễn ra cuộc gặp, nhân vật này cho rằng cách tiếp cận của chính quyền Trump chỉ đẩy Iran tiến gần hơn tới ngưỡng chế tạo vũ khí hạt nhân.
Trong một động thái được xem là một thiện chí ngoại giao khác, phía Mỹ cho biết sẽ dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại đối với đại sứ, đặc phái viên của Iran mà chính quyền Donald Trump áp đặt trước đó, chỉ cho phép di chuyển ở trong thành phố New York. Tuy nhiên, số này vẫn chưa được tự do đi lại, lệnh hạn chế di chuyển có trước thời ông Trump nhậm chức sẽ vẫn còn hiệu lực.
Chính quyền Tổng thống Biden ngày 18/2 cũng đảo ngược yêu sách của người tiền nhiệm Donald Trump về tái áp đặt điều khoản “trừng phạt tức thời” (snapback sanction) với Iran. Quyền Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Richard Mills trong bức thư gửi Hội đồng Bảo an nêu rõ Mỹ rút lại các thư đề nghị trước đó gửi tới cơ quan này đòi tái áp đặt trừng phạt quốc tế nhằm vào Iran vì hành vi không tuân thủ JCPOA của Tehran.
Giới chức Mỹ cùng ngày phủ nhận quan điểm cho rằng chấp nhận tham gia đàm phán là cách Washington chèo kéo Tehran không biến đe dọa dừng hoạt động thanh sát của IAEA thành hành động thực tế. Phía Mỹ cho rằng hành động này nếu có sẽ là bước lùi của Iran trong bối cảnh các bên liên quan đang nỗ lực tìm lối thoát.
Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Joe Biden cam kết sẽ đưa Mỹ quay trở lại JCPOA. Tuy nhiên, trở ngại chính hiện nằm ở trình tự các bước đi. Mỹ muốn Iran trước hết phải tuân thủ trở lại cam kết rồi mới tính đến dỡ trừng phạt. Trong khi Tehran bảo lưu quan điểm rằng Washington phải là bên dỡ cấm vận trước, bởi chính Mỹ là người rời bỏ thỏa thuận.
Cả Mỹ và Iran đều đang phải đối diện với áp lực chính trị nội bộ. Chính quyền Tổng thống Biden không muốn bị nhìn nhận là nhượng bộ quá nhiều trước Tehran, có nguy cơ bị chỉ trích dữ dội nếu như không thể đạt thỏa thuận. Ở chiều ngược lại, Iran sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào mùa hè này và chính quyền Tehran không chấp nhận bị xem là "cúi đầu" trước sức ép từ phía Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tháng trước nói rằng, nếu Iran tuân thủ JCPOA, Mỹ sẽ tìm cách xây dựng thỏa thuận mới “mạnh mẽ hơn, lâu dài hơn” để xử lý những vấn đề mà ông cho là mấu chốt nhất, dễ gây tranh cãi. Một trong số đó sẽ là cách thức kiểm soát chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran và các “điều khoản hoàng hôn” liên quan đến hạn chế hoạt động làm giàu urani của Iran theo thời gian.
Số chỉ trích JCPOA nhìn nhận thỏa thuận đề cập quá nhiều đến dỡ cấm vận chống Iran, nhưng lại quá ít những hạn chế, ràng buộc đối với tham vọng hạt nhân dài hạn của nước này.
Trước một loạt các những động thái của Nhà Trắng trong ngày 18/2, Hạ nghị sĩ Michael McCaul, thành viên hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện ra tuyên bố bày tỏ quan ngại trước việc Mỹ đang nhượng bộ Iran để trở lại với một thỏa thuận mà ông cho là còn nhiều khiếm khuyết. “Chính quyền Trump đã tạo ra ưu thế cho ông Biden trong vấn đề Iran. Chúng ta không thể ném bỏ tiến trình đó”, hạ nghị sĩ bang Texas nêu quan điểm.