Kênh CNN (Mỹ) dẫn thông báo của Lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu cho biết mục tiêu của chiến dịch trên là “khẳng định tự do hàng hải và thể hiện phối hợp giữa các đồng minh”
Đồng hành cùng 3 tàu khu trục Mỹ USS Donald Cook, USS Porter và USS Roosevelt là tàu tuần dương HMS Kent của Hải quân Hoàng gia Anh.
Biển Barents thuộc Bắc Băng Dương, tiếp giáp miền Bắc Na Uy và Nga. Cảng Murmansk – “nhà” của Hạm đội Phương Bắc thuộc Hải quân Nga - nằm trên Biển Barents.
Hải quân Mỹ khẳng định đã thông báo cho Nga về chiến dịch từ ngày 1/5 để “giảm thiểu rủi ro, tránh nhận thức sai và ngăn căng thẳng vô ý”.
Phía Mỹ liên tục cho rằng Nga đã tăng cường hiện diện quân sự tại vùng Bắc Cực trong những năm gần đây.
Báo cáo của Lầu Năm Góc trong năm 2019 có đoạn: “Nga đã dần dần tăng cường hiện diện bằng việc thành lập các đơn vị Bắc Cực, nâng cấp cơ sở hạ tầng cũ và sân bay quân sự tại đây đồng thời thành lập căn cứ quân sự mới dọc bờ biển”.
“Nga còn thiết lập mạng lưới phòng không và hệ thống tên lửa bờ biển, radar cảnh báo sớm, trung tâm cứu hộ và nhiều loại cảm biến”, báo cáo của Lầu Năm Góc bổ sung.
Trong tháng 4, chiến đấu cơ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hai lần “chạm mặt” máy bay quân sự Nga tại khu vực này.
Theo NATO, vào ngày 28/4, máy bay cảnh báo sớm và hai máy bay ném bom Tu-22 đã đến gần không phận ngoài khơi Na Uy và bị hai chiến đấu cơ Na Uy chặn.
Đến ngày 29/4, chiến đấu cơ F-16 và F-35 của Na Uy một lần nữa chặn chiến đấu cơ Nga khi phương tiện này tiếp cận “không phận NATO gần Na Uy”. Không quân Hoàng gia Anh đã cử tiêm kích Typhoon tới hộ tống chiến đấu cơ Nga.
Quân đội Nga và Mỹ đã nhiều lần hoạt động ở khoảng cách gần tại châu Âu. Trong tháng 4, Mỹ cáo buộc chiến đấu cơ Nga đã hai lần gây nguy hiểm cho máy bay trinh sát Mỹ gần không phận quốc tế ở phía Đông Địa Trung Hải.
Phía Nga nhiều lần phản hồi cáo buộc của Mỹ, cho rằng chiến đấu cơ của họ tuyệt đối tuân thủ theo luật quốc tế và hành động an toàn.