Châu Phi xuất hiện ca mắc bại liệt đầu tiên sau 5 năm

Malawi đã tuyên bố bùng phát bệnh bại liệt sau khi một bé gái ba tuổi được chẩn đoán nhiễm virus gây bệnh này.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AFP

Theo tờ Dailymail, lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đây là trường hợp đầu tiên nhiễm virus bại liệt hoang dã ở châu Phi trong hơn 5 năm qua.

Phân tích trong phòng thí nghiệm cho thấy chủng virus được phát hiện ở thủ đô Lilongwe của Malawi có liên quan đến một chủng ở Pakistan, nơi dịch bệnh bại liệt vẫn còn xuất hiện.

Giám đốc WHO khu vực châu Phi, Tiến sĩ Matshidiso Moeti cho biết: “Do đây là một trường hợp nhập cảnh từ Pakistan, nên phát hiện này không ảnh hưởng đến tình trạng chứng nhận không có ca nhiễm virus bại liệt của khu vực châu Phi”.

Ông nói thêm rằng WHO đang thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn bệnh bại liệt lây lan. Ông nói: “Nhờ mức độ giám sát cao về bệnh bại liệt ở châu Phi và khả năng phát hiện virus nhanh chóng, chúng tôi có thể khởi động phản ứng nhanh chóng và bảo vệ trẻ em khỏi tác động tiêu cực của căn bệnh này”.

Bé gái người Malawi bắt đầu có các triệu chứng liệt vào ngày 19/11/2021 và mẫu phân đã được gửi đến các phòng thí nghiệm ở Nam Phi và Mỹ để xét nghiệm virus bại liệt.

Kiểm tra gien trên mẫu phân của đứa trẻ đã xác nhận trường hợp bệnh bại liệt ở Malawi có cùng kiểu gien với các ca bại liệt ở tỉnh Sidnh của Pakistan.

Ca mắc bại liệt gần đây nhất ở Malawi là vào năm 1992. Châu Phi thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2016 khi trường hợp cuối cùng được phát hiện ở Nigeria.

Virus gây bại liệt là một loại virus rất dễ lây lan, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi. Virus bại liệt lây truyền từ người này sang người khác qua đường tiêu hóa. Người bệnh hoặc người lành mang bệnh đào thải rất nhiều virus theo phân làm ô nhiễm nguồn nước, thực phẩm rồi từ đó vào đường tiêu hóa người khác.

Sau khi vào cơ thể, virus sẽ nhân lên trong ruột và sau đó nó có thể lây nhiễm sang hệ thần kinh, có khả năng gây liệt.

Tình trạng liệt này có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn và có thể gây tử vong nếu nó ảnh hưởng đến các cơ dùng để thở.

Bệnh bại liệt đã làm hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới bị liệt mỗi năm trong những năm 1940 và 1950, khiến hàng nghìn trẻ được đưa vào “lá phổi sắt” - những cỗ máy lớn và đắt tiền giúp bệnh nhân thở bằng cách thay đổi áp suất không khí.

Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh bại liệt một khi đã mắc bệnh, nhưng bệnh này có thể được ngăn ngừa thông qua tiêm chủng. Loại thuốc tiêm phòng virus bại liệt đầu tiên được phát minh vào năm 1954.

Có ba chủng bệnh bại liệt, được gọi là tuýp 1, 2 và 3. Tuýp 2 và 3 đã được thanh toán nhờ vào chiến dịch tiêm vaccine hàng loạt trên toàn cầu. Các ca bệnh cuối cùng được phát hiện lần lượt vào năm 1999 và 2012.

Bệnh bại liệt hoang dã tuýp 1 còn lại chỉ xuất hiện ở hai quốc gia, Afghanistan và Pakistan.

Trong khi nỗ lực toàn cầu nhằm loại bỏ bệnh bại liệt đã thành công trên diện rộng, rất hiếm khi có những trường hợp tiêm rồi mà vẫn mắc bại liệt.

Tiêm vaccine bại liệt được thực hiện thông qua hai phương pháp, một là phiên bản bất hoạt của virus được truyền qua đường tiêm, tương tự như tiêm vaccine COVID-19, và phương pháp kia là vaccine đường uống với một vài giọt chứa virus đã suy yếu.

Vaccine đường uống đã được phát triển để giúp thuận lợi hơn cho việc tiêm phòng bại liệt hàng loạt vì không cần kim tiêm vô trùng. Một số quốc gia có thể gặp khó khăn trong mua kim tiêm.

Tuy nhiên, do sử dụng một phiên bản virus suy yếu chứ không phải là virus bất hoạt, có vài ca rất hiếm đã mắc bại liệt sau khi uống vaccine này.

WHO ước tính có ba trường hợp mắc bệnh bại liệt do vaccine trên một triệu liều, ít hơn nhiều so với trước khi tiêm vaccine.

Vaccine bại liệt uống không còn được sử dụng ở Anh hoặc Mỹ. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Giới khoa học phát hiện 3 loại virus Corona mới trên dơi ở Lào
Giới khoa học phát hiện 3 loại virus Corona mới trên dơi ở Lào

Ba loại virus Corona mới liên quan đến SARS-CoV-2, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người đã được phát hiện trên dơi tại Lào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN