Đây là yêu cầu mà nhiều nước châu Âu cho là không thể chấp nhận và vi phạm các hợp đồng hiện có. Trong khi Nga sẵn sàng chuyển hướng cung cấp mặt hàng này sang các thị trường châu Á, châu Âu cũng nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào Nga.
Nga yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble
Trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ năm 1991, Tổng thống Vladimir Putin ngày 23/3 đã đáp trả phương Tây bằng yêu cầu thanh toán khí đốt của nước này bằng đồng ruble.
Nếu Nga được trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble, nước này có thể tránh được một số lệnh trừng phạt tài chính của các nước phương Tây nhằm phản ứng với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Ngày 31/3, Tổng thống Nga Putin đã yêu cầu các quốc gia "không thân thiện", trong đó có tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), phải mở tài khoản bằng đồng ruble tại các ngân hàng của Nga để mua khí đốt từ ngày 1/4. Nếu yêu cầu này không được thực hiện, Nga sẽ coi đây là lỗi từ phía người mua.
Nga cho rằng "cuộc chiến kinh tế" mà phương Tây nhằm vào nước này đã tạo ra một loạt điều kiện thị trường mới. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói các công ty nên tính toán tới những điều kiện đang thay đổi hoàn toàn do cuộc chiến kinh tế nhằm vào Nga. Ông nhấn mạnh, các công ty nước ngoài sẽ cần mua đồng ruble để thanh toán tiền khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko cho biết Nga đã sẵn sàng cho khả năng châu Âu có thể ngừng mua năng lượng của Nga. Bà còn cho hay nếu châu Âu từ chối mua năng lượng của Nga thì nước này có thể chuyển hướng cung cấp mặt hàng này sang các thị trường châu Á.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhấn mạnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã bác bỏ yêu cầu của Nga về việc thanh toán hợp đồng khí đốt bằng đồng ruble. Trả lời họp báo, ông nêu rõ tất cả các Bộ trưởng Năng lượng G7 đều nhất trí rằng đây là hành động đơn phương và rõ ràng vi phạm các thỏa thuận hiện có. Việc thanh toán bằng đồng ruble là điều không thể chấp nhận được và G7 kêu gọi các doanh nghiệp liên quan không tuân theo yêu cầu này.
Ông Habeck nói rằng Đức vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga trong thời gian nhất định, song cũng sẵn sàng cho mọi kịch bản. Theo ông, Đức sẵn sàng cho mọi khả năng bởi điều quan trọng là cần cân nhắc kỹ, thậm chí cả những kịch bản khó xảy ra nhất. Ông đã cảnh báo sớm trước khả năng Nga cắt nguồn cung khí đốt vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Châu Âu nhập khẩu khoảng 40% nhu cầu khí đốt từ Nga, chi trả các hóa đơn trị giá 200-800 triệu euro/ngày (880 triệu USD/ngày) và thanh toán chủ yếu bằng đồng euro. Các nước châu Âu cho biết tập đoàn dầu khí quốc doanh Gazprom của Nga không có quyền thay đổi hợp đồng.
Gazprom cho biết đồng euro chiếm 58% các giao dịch xuất khẩu của tập đoàn này, trong khi đồng USD chiếm 39% và đồng bảng Anh chiếm khoảng 3%.
EU đẩy mạnh nỗ lực giảm phụ thuộc
Theo thông báo mới đây, EU muốn giảm 2/3 lượng khí đốt từ Nga trong năm nay và đa dạng hóa các nguồn cung. Để đạt mục tiêu này, Ủy ban châu Âu đã bắt đầu đàm phán với các nước sản xuất năng lượng chính như Na Uy, Qatar, Algeria, đồng thời đạt thỏa thuận với Mỹ về việc tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho EU.
Ngày 25/3, Mỹ và EU đã công bố thỏa thuận cung cấp LNG nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga. Mỹ nỗ lực cung cấp cho châu Âu thêm 15 tỷ m3 LNG trong năm nay.
Bộ trưởng Kinh tế Đức nhấn mạnh Qatar, một trong những nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất có "tầm quan trọng trung tâm" trong việc giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga.
Hồi đầu tháng Ba, ông Habeck đã tới thăm quốc gia xuất khẩu khí đốt quan trọng là Na Uy và nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng Mỹ. Ông bày tỏ tin tưởng các cuộc thảo luận mà Đức đang tiến hành với Na Uy, Mỹ, Canada và Qatar sẽ giúp đưa nhiều khí đốt hóa lỏng hơn đến châu Âu và Đức. Hiện Đức và Na Uy đã nhất trí nghiên cứu khả năng xây dựng đường ống dẫn hydro giữa hai nước.
Bộ Kinh tế Liên bang Đức đặt mục tiêu sớm giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. Đức đã sẵn sàng giảm 50% sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu của Nga từ mùa Hè này và hướng tới mục tiêu gần như độc lập vào cuối năm.
Trong khi đó, Chính phủ Pháp, cùng với nhiều công ty năng lượng lớn, đang có kế hoạch thiết lập một kho cảng mới để tiếp nhận LNG tại cảng Le Havre nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Năng lượng Pháp Jean- Francois Carenco nói dự án cảng LNG nổi ở Le Havre này sẽ rất hữu ích nếu Pháp muốn giảm sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga và tăng cường an ninh nguồn cung. Ông nói thêm rằng mục tiêu là bổ sung khả năng tiếp nhận LNG trong vòng một năm. Kho cảng nổi này có thể nhập khẩu 50 TWh khí đốt mỗi năm, tương đương 3,9 triệu tấn LNG, từ Mỹ, Qatar hoặc châu Phi.
Đối với Italy, ông Claudio Descalzi, Giám đốc điều hành của công ty dầu khí ENI, cho biết nước này có thể thay thế một nửa nguồn cung cấp khí đốt từ Nga bằng các nguồn khác vào mùa Đông tới và dừng hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt của Nga trong một vài năm.
Bộ trưởng Bộ chuyển đổi sinh thái Italy Roberto Cingolani cho biết nước này có thể thay thế 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga mỗi năm (20 tỷ m3) trong "ngắn và trung hạn" bằng một loạt biện pháp bao gồm tăng nhập khẩu khí đốt từ Algeria thêm 9 tỷ m3 và tăng sản lượng điện, được sản xuất bằng than và dầu để thay thế 3-4 tỷ m3 khí đốt. Các biện pháp khác bao gồm việc tăng nhập khẩu điện từ Bắc Âu và sử dụng thêm khoảng 6 tỷ m3 LNG.
Italy hiện nhập khẩu khoảng 30 tỷ m3 khí đốt từ Nga mỗi năm - chiếm khoảng 40% tổng lượng khí đốt nhập khẩu - và đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng để đối phó với tình hình căng thẳng tại Ukraine, trong đó Qatar là tâm điểm chú ý đặc biệt.
Theo ông Cingolani, các biện pháp dài hạn để cố gắng lấp đầy khoảng trống khí đốt Nga bao gồm tăng gấp đôi công suất của Đường ống xuyên Adriatic vận chuyển khí đốt của Azerbaijan, sản xuất 8 gigawatt năng lượng tái tạo mỗi năm và tăng gấp đôi sản lượng khí đốt trong nước.
Ông Uldis Bariss - Giám đốc điều hành Conexus Baltic Grid, công ty điều hành dự trữ khí đốt tự nhiên của Lavia, cho biết, các nước vùng Baltic đã không còn nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga. Từ ngày 1/4, khí đốt của Nga đã không còn được chuyển tới Latvia, Estonia và Lithuania.