Dù chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 với gần 27.000 ca tử vong, song việc xây dựng cây cầu nói trên vẫn diễn ra suốt ngày đêm bất chấp lệnh phong tỏa toàn quốc do dịch bệnh. Nhịp cầu cuối cùng dự kiến được lắp ráp trong ngày 28/4, theo đó một bên của thung lũng Polcevera cuối cùng cũng được kết nối trở lại với bên kia.
Chiếc cầu mới do kiến trúc sư nổi tiếng người Italy Renzo Piano sinh ra ở Genova thiết kế, người cũng là “cha đẻ” của các công trình như Trung tâm nghệ thuật và văn hóa quốc gia Georges Pompidou ở Paris, Pháp và tòa nhà chọc trời The Shard ở London, Anh. Công trình xây dựng công nghệ cao này sẽ có robot thực hiện công tác bảo trì chạy dọc thân cầu để phát hiện các lỗi hỏng hóc, cũng như hệ thống hút ẩm đặc biệt nhằm hạn chế sự ăn mòn. Dự kiến, cây cầu dài khoảng 1km này sẽ được lắp đặt các thanh chắn gió, pin năng lượng Mặt Trời, và nghiệm thu công trình, trước khi đi vào hoạt động từ cuối tháng 7 tới.
Cầu Morandi dài 1,2km, được xây dựng vào năm 1967, nằm trên tuyến đường cao tốc A10 nối thành phố cảng Genoa với miền Nam nước Pháp. Ngày 14/8/2018, mưa to đã khiến một đoạn cầu dài khoảng 200m bị sập và rơi từ độ cao khoảng 100m xuống một đoạn đường ray tàu hỏa, một nhà máy và nhiều ngôi nhà khác phía dưới. Đoạn cầu bị sập khi có hàng chục xe ô tô và xe tải đang lưu thông. Thảm họa này khiến ít nhất 43 người thiệt mạng và hàng trăm người mất nhà ở, đồng thời gây gián đoạn giao thông nghiêm trọng tại Genoa – thành phố cảng quan trọng ở Tây Bắc Italy. Vụ sập cầu Morandi đã cho thấy cơ sở hạ tầng cũ kỹ của Italy đang đối mặt với nhiều vấn đề.
Công ty Autostrade, đơn vị quản lý gần 50% mạng lưới đường cao tốc của Italy, trong đó có tuyến cao tốc A10 nói trên, đã bị điều tra cùng với một số quan chức cấp cao của Bộ Giao thông Italy vì tội gây giết người. Tổng cộng 74 người bị buộc tội trong vụ việc trên.