Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học của Đại học Tsukuba đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dịch COVID-19 sẽ lây lan như thế nào ở thủ đô Tokyo sau khi Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở thành phố này vào ngày 21/3. Với giả định số ca nhiễm mới ở Tokyo sẽ gia tăng với tốc độ tương tự mùa Hè năm ngoái sau khi tình trạng khẩn cấp đầu tiên được dỡ bỏ, kết quả nghiên cứu cho thấy nếu không có chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19, Tokyo sẽ đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 4 với số ca nhiễm mới lên tới mức đỉnh 1.850 ca/ngày vào giữa tháng 5.
Trong khi đó, nếu mỗi ngày Tokyo tiêm phòng cho khoảng 35.000 người cao tuổi, chiếm 0,3% dân số của thành phố này, số ca nhiễm mới sẽ lên tới mức đỉnh 1.650 ca/ngày trong tháng 5, chỉ thấp hơn 10,8% so với trường hợp không thực hiện chương trình tiêm chủng. Tong trường hợp mỗi ngày Tokyo tiêm vaccine cho gần 115.000 người, bằng 1% dân số của thành phố, số ca nhiễm mới sẽ lên tới mức đỉnh 1.540 ca/ngày, thấp hơn 16,8% so với trường hợp không tiến hành tiêm chủng.
Các kịch bản giả định trên cho thấy việc tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ không thể ngăn ngừa làn sóng lây nhiễm thứ 4 ở Tokyo. Giáo sư Kurahashi Setsuya của Đại học Tsukuba cho biết chương trình tiêm chủng sẽ không giúp ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh trước tháng 7, ngay cả khi chương trình này được tiến hành một cách suôn sẻ. Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện các biện pháp cơ bản để phòng chống dịch COVID-19 là rất quan trọng.
Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo và một số tỉnh, thành khác ở Nhật Bản có xu hướng gia tăng trở lại. Ngày 29/3 Nhật Bản ghi nhận thêm 1.345 ca nhiễm mới, trong đó thủ đô Tokyo có 234 ca và Osaka có 213 ca. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 15/2 số ca nhiễm mới vào ngày Thứ Hai vượt ngưỡng 1.000 ca ở Nhật Bản và hơn 200 ca riêng ở thủ đô Tokyo. Trong tuần lễ từ ngày 23-29/3, trung bình số ca nhiễm mới theo ngày tại Tokyo là 357,7 ca, tăng 18,1% so với một tuần trước đó.
Về chiến dịch tiêm phòng, ông Fumiaki Kobayashi, Cố vấn của Văn phòng Nội các Nhật Bản, cho biết chính phủ sẽ cho phép người dân lựa chọn loại vaccine mà họ muốn tiêm bằng cách công khai thông tin về loại vaccine sẵn có ở mỗi điểm tiêm phòng.
Nhật Bản đã bắt đầu chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 vào ngày 17/2 vừa qua. Trong giai đoạn đầu, hơn 40.000 nhân viên y tế tại 100 bệnh viện trên khắp cả nước được ưu tiên tiêm phòng trước. Những người từ 65 tuổi trở lên sẽ bắt đầu được tiêm phòng từ ngày 12/4. Tiếp đó là những người có các bệnh lý nền như tiểu đường, và các nhân viên ở các cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Cuối cùng, Nhật Bản sẽ mở rộng chương trình tiêm chủng cho tất cả người dân.
Cho đến nay, Nhật Bản mới cấp phép lưu hành vaccine của Pfizer Inc. Giới chức y tế nước này dự định sẽ sớm cấp phép cho vaccine của AstraZeneca PLC và Moderna Inc.
Liên quan công tác phòng chống dịch bệnh, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Norihisa Tamura ngày 30/3 đã công khai xin lỗi trên truyền thông sau khi các nhân viên của bộ này vi phạm quy định phòng dịch COVID-19 của chính phủ. Bộ trưởng Tamura xác nhận 23 nhân viên của Bộ Y tế đã tụ tập ăn uống tới khuya tại một nhà hàng ở Tokyo vào ngày 24/3 vừa qua, đồng thời khẳng định sẽ nhanh chóng điều tra vụ việc.
Mặc dù chính phủ đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và 3 tỉnh lân cận, song các nhà hàng vẫn phải đóng cửa sớm vào 21h hằng ngày, trong khi người dân phải hạn chế tụ tập đông người.