Theo bản đánh giá chung của EFSA, Trung tâm phòng chống dịch bệnh Liên minh châu Âu và Phòng Thí nghiệm châu Âu, có nhiều báo cáo về tình trạng dịch cúm gia cầm lây lan ở các loài chim hoang dã và chim nuôi trong mùa Hè năm nay, dẫn tới tình trạng chết hàng loạt của các loài chim biển trên bờ biển Đại Tây Dương. Thông thường cúm gia cầm thường bùng phát vào những tháng mùa Thu và mùa Đông. Dịch lây lan qua chất thải của những con chim hoang dã di cư nhiễm bệnh, qua tiếp xúc với thức ăn, quần áo, trang thiết bị phơi nhiễm.
Ông Guilhem de Seze, quan chức cấp cao của EFSA cho biết khi mùa di cư vào mùa Thu bắt đầu và số lượng các loài chim hoang dã di trú mùa Đông tăng lên, nguy cơ lây nhiễm virus cúm độc lực cao tại châu Âu cao hơn những năm trước do virus này vẫn đang tồn tại ở châu Âu.
Theo EFSA, dịch cúm gia cầm năm nay ảnh hưởng 37 nước châu Âu, biến châu lục này thành khu vực đông nước chịu ảnh hưởng nhất của dịch này và lần đầu tiên virus đã vượt Đại Tây Dương theo dòng di cư khiến dịch lây lan nghiêm trọng tại một số tỉnh của Canada và các bang của Mỹ. Đây cũng là đợt dịch gây tổn thất nặng nề cho châu Âu khi có tới 2.476 ổ dịch và 47,7 triệu gia cầm bị tiêu hủy.
Sự lây lan của dịch cúm gia cầm là một mối lo ngại đối với các chính phủ và ngành chăn nuôi gia cầm do dịch này ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động chăn nuôi gia súc, có thể gây ra các hạn chế thương mại và nguy cơ lây sang người.
EFSA khuyến nghị cần thực hiện nhanh chóng việc giảm thiểu rủi ro và chiến lược giám sát để phát hiện sớm virus như một biện pháp phòng ngừa.